Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp quốc (LHQ) Vasily Nebenzya cho biết, đề xuất của Kiev về việc tổ chức 'hội nghị thượng đỉnh hòa bình' là một “đề xuất tuyên truyền nông cạn”.
Đại sứ Nebenzya nói rằng Kiev đang cố gắng làm hài lòng các nước phương Tây khi đưa ra đề xuất này. Theo nhà ngoại giao Nga, phía Kiev đã nhiều lần khẳng định rằng việc rút quân của Nga là giải pháp hòa bình duy nhất cho cuộc xung đột hiện tại.
"Rõ ràng đề xuất trên là một sáng kiến mang tính tuyên truyền nông cạn của Ukraine khi Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba đã lên tiếng bảo lưu quan điểm khó có khả năng Nga đồng ý tham dự hội nghị hòa bình này" - Tass dẫn phát biểu của ông Nebenzya tại phiên họp của LHQ hôm 13/1.
Theo ông, sáng kiến "hội nghị thượng đỉnh hòa bình" của Ukraine chỉ nhằm giành thêm sự ủng hộ từ phương Tây trong khi Kiev không muốn ngồi vào bàn đàm phán.
Tuyên bố trên được nhà ngoại giao Nga đưa ra sau khi Ukraine thông báo Hội nghị Hòa bình Toàn cầu dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 24/2 tại trụ sở LHQ ở Mỹ, tròn một năm kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Theo RT, trả lời phỏng vấn hãng tin Anadolu hôm 12/1, Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasily Bodnar cho biết, chính phủ Ukraine tiếp tục theo đuổi kế hoạch tổ chức hội nghị này.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba lần đầu tiên đề xuất sự kiện này vào tháng trước. Ukraine sẽ đề nghị LHQ chủ trì hội nghị dựa trên "công thức hòa bình" gồm 10 điểm mà Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra.
Tổng thư ký LHQ Antonio Gutteres khẳng định, ông sẵn sàng làm trung gian hòa đàm giữa Nga và Ukraine, nhưng chỉ khi các bên chấp thuận.
Mặc dù Nga nói vẫn để ngỏ đàm phán, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Ukraine sẽ mời Nga tham dự hội nghị. Kiev đề nghị, trước hết Nga phải đáp ứng các điều kiện mà Ukraine đưa ra như rút hết quân và bồi thường chiến tranh.
Tuy nhiên, Moscow cảnh báo, nếu không có sự tham gia của Nga, một hội nghị như vậy sẽ không khả thi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần nhấn mạnh, Moscow sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Kiev phải chấp nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Điều này có nghĩa là Ukraine phải công nhận việc 4 vùng ly khai Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye đã sáp nhập vào Nga.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 11/1 cho biết, Nga muốn đàm phán hòa bình với Ukraine hơn là giao tranh, nhưng không thấy bất cứ dấu hiệu tiềm năng nào cho cuộc đàm phán này do lập trường của Kiev và những nước phương Tây ủng hộ họ.
Phát biểu với báo chí, ông Peskov cho biết: “Luật mới của Ukraine cấm tổng thống nước này có bất cứ cuộc đối thoại nào với Nga. Trong bối cảnh phương Tây dường như không có xu hướng cho phép Kiev thể hiện sự linh hoạt trong vấn đề này, chúng tôi không nhận thấy bất cứ cơ hội nào cho các cuộc đàm phán hòa bình ở thời điểm hiện tại”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký thành luật một sắc lệnh của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia (NSDC) Ukraine cấm tiến hành bất cứ cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin
Trước đó, Nga cho biết, hai bên từng chuẩn bị ký một thỏa thuận ngừng bắn hồi đầu tháng 4/2022, sau khi đạt được bước đột phá trong các cuộc đàm phán do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian ở Istanbul. Tuy nhiên, chính phủ Ukraine đã quay lưng, điều mà Nga cho là kết quả sự can thiệp của phương Tây.