Theo hãng tin Tass, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzia cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã liên tục hỗ trợ quân sự cho chính quyền Kiev trong nhiều năm để đối đầu với Moscow.
Đại sứ Nebenzia nhấn mạnh: "EU đã làm giảm vị thế của chính mình khi đẩy mạnh hỗ trợ hàng loạt vũ khí tấn công và các phương tiện quân sự hiện đại cho Ukraine. Động thái này đã vi phạm các cam kết của EU về việc không cung cấp viện trợ quân sự cho các khu vực xung đột”.
Trong một diễn biến liên quan, ông Alexey Zaitsev - Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, hôm 20/10 nói rằng việc Mỹ bí mật chuyển giao hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) cho Ukrraine chứng tỏ Washington không mong muốn tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột hiện tại.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Zaitsev nhấn mạnh rằng việc các nước phương Tây liên tục hỗ trợ các loại vũ khí sát thương cho Ukraine là một “động thái thù địch”.
Quan chức ngoại giao Nga cũng khẳng định, động thái này sẽ không thể giúp Kiev lật ngược tình hình chiến sự hiện tại và không thể ngăn cản Moscow đạt được các mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Cũng trong ngày 20/10, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov kêu gọi các quốc gia phương Tây ngừng viện trợ cho Ukraine ngay lập tức và bắt đầu đàm phán dựa trên tình hình thực tế.
"Tôi tái khẳng định quan điểm nhất quán của Nga, đó là các nước cần ngừng viện trợ cho Ukraine ngay lập tức và bắt đầu đàm phán dựa trên tình hình thực tế, lợi ích cốt lõi của Nga đã được nêu ra ngay từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt" - Tass dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Lavrov trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia.
Đồng thời, Ngoại trưởng Nga lưu ý rằng việc Washington chuyển tên lửa tầm xa ATACMS cho Kiev là nỗ lực vô ích và chỉ nối dài khổ đau cho người dân Ukraine.
Trước đó, ngày 17/10, Nhà Trắng xác nhận Mỹ đã chuyển giao cho Kiev hệ thống ATACMS có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 165 km.
Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng thừa nhận về sự xuất hiện của hệ thống ATACMS trong bài phát biểu và bày tỏ lòng biết ơn về các thỏa thuận đang được triển khai cùng với Mỹ.
Theo tờ Washington Post, lực lượng Ukraine đêm 16/10 đã phóng 18 ATACMS vào các mục tiêu quân sự của Nga ở TP Berdyansk, trên bờ biển Azov và ở khu vực phía Đông tỉnh Luhansk.
Lực lượng tác chiến đặc biệt của Ukraine cho biết, 9 máy bay trực thăng, 1 bệ phóng tên lửa phòng không, 1 kho đạn và nhiều thiết bị quan trọng khác của Nga tại các sân bay trong khu vực đã bị phá hủy.
Về phần mình, Moscow đã nhiều lần cảnh báo phương Tây rằng việc hỗ trợ vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga.
Điện Kremlin tuyên bố việc Mỹ cung cấp hệ thống tên lửa ATACMS và xe tăng tiên tiến Abrams cho Ukraine sẽ không làm thay đổi cục diện trên chiến trường. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hồi tháng trước cho biết “không có loại vũ khí nào có thể thay đổi cán cân quyền lực trên chiến trường”.
Bất chấp cảnh báo cứng rắn của Moscow, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Người đứng đầu Nhà Trắng mới đây khẳng định Washington có thể viện trợ cùng lúc cho cả Ukraine và Israel.
Trong diễn biến mới nhất, NBC News đưa tin, Nhà Trắng ngày 20/10 đã đề nghị Quốc hội Mỹ phê chuẩn gói viện trợ gần 106 tỷ USD để hỗ trợ cho các kế hoạch tham vọng của Ukraine, Israel cũng như cho vấn đề an ninh biên giới của Mỹ, hỗ trợ người tị nạn.