Nga sẽ mở rộng kho dự trữ dầu chiến lược

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc mở rộng các kho dự trữ dầu chiến lược sẽ giúp Nga hạn chế tác động từ việc Anh và Mỹ cấm nhập khẩu năng lượng của Moscow.

Nga sẽ mở rộng kho dự trữ dầu chiến lược. Ảnh: AP
Nga sẽ mở rộng kho dự trữ dầu chiến lược. Ảnh: AP

Theo Reuters, các quan chức Nga hôm 19/4 cho biết nước này đang lên kế hoạch xây dựng các cơ sở lưu trữ dầu trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang ảnh hưởng một phần đến hoạt động xuất khẩu “vàng đen” của Moscow.

"Một số công ty năng lượng tại Nga đang xúc tiến kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng để nâng cao năng lực dự trữ dầu mỏ và phục vụ việc xuất khẩu năng lượng sang các thị trường khác ngoài châu Âu,” Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Pavel Sorokin thông báo với báo chí hôm 19/4.

Trong khi đó, ông Igor Shpurov, người đứng đầu Ủy ban khoáng sản Nga, nói rằng nước này có thể xây dựng các kho lưu trữ ở khu vực đông Siberia, khu vực sông Volga và Urals. Theo ông Shpurov, việc xây dựng các kho chứa với công suất khoảng 100 triệu tấn, tương đương 700 triệu thùng có thể mất tới 4 năm.

Theo Thứ trưởng Sorokin, Nga có thể thiết lập các cơ sở hạ tầng mới phục vụ xuất khẩu dầu mỏ tại các cảng ở phía bắc Murmansk và Indiga.

Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này có kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ việc xuất khẩu năng lượng sang khu vực châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á Thái Bình Dương vào đầu tháng 6 tới.

Tổng thống Putin nói rằng Nga cần tìm phương án thay thế cho hoạt động nhập khẩu thiết bị phục vụ hoạt động khai thác, sản xuất dầu mỏ và khí đốt.

Các nước phương Tây đã áp lệnh cấm vận và hạn chế nhập khẩu năng lượng của Nga nhằm gạt nền kinh tế nước này khỏi hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu vì liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine.

Mỹ áp lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, trong khi Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản áp lệnh cấm nhập khẩu than đá.

Nga, nước chiếm khoảng 10% sản lượng dầu toàn cầu, đã và đang thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với châu Á và Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới - nhằm đa dạng hóa điểm đến của năng lượng xuất khẩu, vượt ra khỏi các thị trường truyền thống ở châu Âu.

Nga cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italia và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần