Theo hãng tin RT, ngày 4/2, tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga và tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã ký hợp đồng thứ hai kéo dài 30 năm về việc cung cấp 10 tỷ mét khối (bcm) khí đốt tự nhiên mỗi năm từ vùng Viễn Đông của Nga. Hợp đồng này sẽ được thanh toán bằng đồng Euro.
Theo tập đoàn Gazprom, hợp đồng khí đốt mới nhất là bằng chứng quan trọng về việc tăng cường hợp tác khí đốt giữa Nga và Trung Quốc. Gazprom cho biết Nga có kế hoạch tăng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc lên mức 48 tỷ m3/năm thông qua một đường ống mới từ vùng Viễn Đông Nga và tuyến đường ống Power of Siberia. Yuzhno-Kirinskoye - mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất của tập đoàn Gazprom tại vùng Viễn Đông dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2023.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc hội đàm trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi tham dự lễ khai mạc Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 trong ngày 4/2. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo trong hơn 2 năm qua.
Trước đó, vào năm 2014, Gazprom đã ký hợp đồng hợp đồng đầu tiên kéo dài 30 năm với CNPC về việc cung cấp khí đốt thông qua tuyến đường ống Power of Siberia. Tuyến đường ống vận chuyển khí đốt đầu tiên giữa Nga và Trung Quốc có chiều dài 3.000 km bắt đầu vận hành thương mại từ năm 2019.
Vào năm 2015, Nga và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận về việc cung cấp khí đốt thông qua Power of Siberia 2, tuyến đường ống vận chuyển khí đốt được khai thác tại khu vực Yamal ở Siberia, nơi có trữ lượng khí đốt lớn nhất của Nga. Dự kiến, Moscow có thể vận chuyển khoảng 50 tỷ m3 khí đốt mỗi năm cho Bắc Kinh thông qua tuyến đường ống khí đốt mới này.
Bên cạnh đó, vào tháng 1 vừa qua, tập đoàn Gazprom đã hoàn thành đánh giá dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Soyuz Vostok chạy qua Mông Cổ đến Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng hợp đồng khí đốt mới giữa Moscow và Bắc Kinh làm tăng thêm lo ngại cho châu Âu trong bối cảnh “lục địa già” vốn đang phải vật lộn với tình trạng khan hiếm nguồn cung nhiên liệu trong nhiều tháng qua.