Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga tuyên bố rắn trước cảnh báo của Lithuania về vùng Kaliningrad

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan chức Kaliningrad khẳng định, Biển Baltic sẽ không bao giờ trở thành vùng biển thuộc sở hữu của NATO sau khi Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.

Một góc Kaliningrad của Nga. Ảnh: Getty
Một góc Kaliningrad của Nga. Ảnh: Getty

Ngày 27/2, người phát ngôn của vùng Kaliningrad Dmitry Lyskov cho biết, vùng lãnh thổ này của Nga không gây ra mối đe dọa đối với bất kỳ nước nào, trong khi các căn cứ của Hạm đội Baltic đang được đặt tại một số cảng ở Biển Baltic. Quan chức này tuyên bố, Biển Baltic sẽ không thể trở thành không gian nội bộ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bất chấp việc Thụy Điển sẽ gia nhập liên minh này trong tương lai.

"Nga có ít nhất 3 cảng lớn trên Biển Baltic, gồm Kaliningrad, St. Petersburg và Ust-Luga. Ngoài ra, Biển Baltic là nơi đóng quân của lực lượng hải quân Nga" - quan chức Kaliningrad nhấn mạnh, đồng thời khuyên các nước láng giềng châu Âu hãy thận trọng trong việc đưa ra các tuyên bố liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của Nga.

Theo hãng tin Tass, tuyên bố trên được ông Lyskov đưa ra sau khi Đại sứ Lithuania tại Thụy Điển Linas Linkevicius nhận định các nước phương Tây sẽ "vô hiệu hóa" vùng đất Kaliningrad ở cực Tây của Nga nếu Moscow gây nguy hiểm nghiêm trọng cho an ninh của NATO.

Theo đài RT, trong bài viết trên X (trước đây là Twitter) hôm 27/2, Đại sứ Linkevicius, người trước đây giữ chức Ngoại trưởng và Bộ trưởng quốc phòng của Lithuania, tuyên bố rằng Biển Baltic đã trở thành không gian nội bộ của NATO sau khi Thụy Điển “được gia nhập” liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.

Hôm 26/2, Hungary đã trở thành thành viên NATO cuối cùng phê chuẩn nỗ lực gia nhập khối của quốc gia Bắc Âu này, qua đó loại bỏ trở ngại cuối cùng trên con đường gia nhập liên minh quân sự của Thụy Điển. Budapest đã trì hoãn quyết định trên trong hơn 1 năm qua khi chỉ trích Stockholm về những nhận xét “không công bằng và bất công” về tình trạng dân chủ Hungary.

Thụy Điển cùng với nước láng giềng Phần Lan đã từ bỏ lập trường trung lập mà họ duy trì suốt nhiều thập niên để nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 5/2022. Hai nước Bắc Âu đã viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia cho quyết định này trong bối cảnh Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.

Trong bài đăng của mình, Đại sứ Linkevicius cảnh báo rằng “nếu Nga dám thách thức NATO, vùng Kaliningrad sẽ bị “vô hiệu hóa trước”.

Trả lời bình luận của Đại sứ Linkevicius, ông Alexandr Shenderyuk-Zhidkov, Thượng nghị sĩ Nga từ vùng Kaliningrad, nói rằng các chính trị gia Lithuania từ lâu đã “tiến hành một cuộc chiến ảo tưởng” chống lại vùng đất này. Theo Thượng nghị sĩ Zhidkov, chính quyền Kaliningrad không chú ý nhiều đến những tuyên bố như vậy.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Moscow không có kế hoạch tấn công NATO, đồng thời nhấn mạnh rằng Nga “không có lợi ích… về mặt địa chính trị, kinh tế hay quân sự” khi làm như vậy.

Kaliningrad (trước đây là Konigsberg) thuộc về Đức cho đến cuối Thế chiến II, khi vùng đất này được bàn giao cho Liên Xô theo Hiệp định Potsdam. Kaliningrad vẫn là một phần của Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. Tuy nhiên, sau nhiều làn sóng mở rộng liên tiếp của NATO, thành phố nằm lọt giữa  các thành viên của khối.

Trước đó, hồi tháng 10/2023, Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics gợi ý rằng NATO có thể xem xét việc đóng cửa Biển Baltic đối với tàu bè của Nga nếu phát hiện ra rằng Nga đứng đằng sau vụ rò rỉ đường ống dẫn khí đốt Balticonnector nối Phần Lan và Estonia. Động thái này về cơ bản sẽ cắt đứt Kaliningrad khỏi phần còn lại của đất nước.

Tuy nhiên, cuối tháng đó, cảnh sát Phần Lan xác nhận họ đã tìm thấy một mỏ neo nặng 6 tấn gần vị trí đứt gãy. Các nhà điều tra nói rằng nó đã rơi từ một tàu Trung Quốc và gây rò rỉ.