Một hội nghị cấp cao 4 bên giữa Nga, Ukraine, Pháp và Đức đã được lên kế hoạch vào ngày 15/01 tới nhằm đạt được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, 4 ngày trước cuộc họp, các bên liên quan vẫn không ngừng chỉ trích lẫn nhau, khiến cuộc gặp có nguy cơ không thể diễn ra.
Ukraine, vốn đang phải chịu những sức ép lớn về tài chính ngày 10/1 một lần nữa cáo buộc Nga hậu thuẫn cho các lực lượng đối lập tại miền Đông, trong bối cảnh cuộc đàm phàn hóa bình dưới sự trung gian của Pháp và Đức đang đến gần.
Phát biểu trong cuộc gặp Ngoại trưởng Litva, nước vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu đang ở thăm Ukraine, ông Poroshenko cho rằng, Nga đứng đằng sau các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn ở miền Đông, khiến khu vực này một lần nữa chìm trong bạo lực đẫm máu.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier (thứ 2, phải), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải), Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin (thứ 2, trái) và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius trước cuộc họp tại Berlin, ngày 17/8/2014. (Ảnh: AFP)
|
Đây không phải là lần đầu tiên Ukraine chỉ trích Nga về vấn đề này, dù Nga nhiều lần bác bỏ. Thỏa thuận hòa bình Minsk được các bên ký kết hồi tháng 9 năm ngoái yêu cầu các bên rút các lực lượng vũ trang bất hợp pháp ra khỏi lãnh thổ Ukraine.
Tuy nhiên, theo chính phủ Ukraine, 7.500 binh sĩ Nga vẫn có mặt tại khu vực miền Đông và Nga vẫn tiếp tục vũ trang cho lực lượng đối lập. Hồi giữa tuần, tại khu vực miền Đông Ukraine bạo lực đẫm máu lại bùng phát trở lại và được xen là nghiêm trọng nhất kể từ khi thiết lập lệnh ngừng bắn.
Cùng ngày, chính phủ Nga ngày 10/1 cảnh báo sẽ yêu cầu Ukraine thanh toán trước khoản vay 3 tỷ USD, điều này có thể đặt nền kinh tế Ukraine, vốn đang kiệt quệ đến trước bờ vực phá sản.
Theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Silouanov, Ukraine đã vi phạm các điều kiện cho vay, đặc biệt trong đó là điều khoản nợ công không được phép vượt quá 60% Tổng sản phẩm quốc tế và vì thế nước này sẽ buộc phải thanh toán trước thời hạn các khoản nợ.
Dự kiện ngày 15/1 tới, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Poroshenko sẽ gặp nhau tại Kazakhstan cùng Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Đức Merkel, trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, tới nay đã cướp đi sinh mạng của gần 5.000 người kể từ khi bùng phát hồi giữa tháng 4 năm ngoái.
Tuy nhiên, triển vọng giải quyết khủng hoảng vẫn khá mờ mịt và các nhà lãnh đạo châu Âu thậm chí còn cảnh báo, một cuộc gặp như thế sẽ không thể diễn ra nếu không có các bước tiến thực sự trong việc thực hiện thỏa thuận Minsk.
Sau cuộc điện đàm không mấy kết quả giữa 4 nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, Pháp và Đức ngày 9/1 vừa qua, ngoại trưởng 4 nước dự kiến sẽ gặp nhau vào ngày mai tại Thủ đô Berlin, Đức để xây dựng chương trình nghị sự cho cuộc gặp cấp cao 4 bên.
Các nỗ lực giải quyết khủng hoảng sẽ là vô nghĩa nếu lập trường các bên không thay đổi, nếu chính quyền Ukraine và phương Tây vẫn tiếp tục áp đặt vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine hay nếu các bên vẫn không chịu từ bỏ cuộc chiến ngôn từ, không ngừng chỉ trích hay cáo buộc lẫn nhau. Bởi điều này chỉ càng khiến tình hình càng trở nên tồi tệ hơn.
Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, các bên cần phải nắm lấy cơ hội để chấm dứt khủng hoảng và cơ hội lớn nhất lúc này chính là thỏa thuận Minsk. Đây sẽ là bước đi tạo đà cho những bước tiến xa hơn nhằm chấm dứt khủng hoảng tại Ukraine.
Thủ tướng Đức Merkel nói: “Thỏa thuận Minsk sẽ là cơ hội để khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine nếu các điều khoản của nó được thực thi một cách đầy đủ. Đó là lý do tại sao chúng ta cần những bước tiến thực sự và toàn diện chứ không phải là chỉ ở một điểm nào đó. Thỏa thuận Minsk cần phải được tôn trọng ở tất cả tất cả các điểm”.