Ngăn chặn giả mạo xuất xứ hàng Việt: Cấp bách lấp lỗ hổng pháp lý

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày gần đây dư luận xôn xao việc lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều mặt hàng thời trang nhập lậu giả mạo xuất xứ Việt Nam.

 Hành vi gian lận thương mại, trong đó có mặt hàng thời trang có xu hướng ngày càng tăng, đòi hỏi cơ quan quản lý nhanh chóng hoàn thiện những “lỗ hổng” quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
Liên tục phát hiện hàng thời trang nhập nhèm xuất xứ
Sáng 11/11 sau khi người tiêu dùng và các cơ quan báo chí phản ánh việc sản phẩm quần áo thời trang, túi xách nhãn hiệu SEVEN.am là hàng Trung Quốc nhập khẩu sau đó cắt mác hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam, Đội quản lý thị trường (QLTT) số 14 (Cục QLTT) Hà Nội đã tiến hành kiểm tra hệ thống cửa hàng thời trang SEVEN.am.
Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cửa hàng Seven.am tại 135 Trần Phú - Hà Đông sáng 11/11. Ảnh: Hoài Nam
Qua kiểm tra, Đội QLTT số 14 ghi nhận trên toàn bộ các sản phẩm được bày bán tại các showroom SEVEN.am đều có tem của sản phẩm SEVEN.am, xuất xứ Made in Vietnam gắn dấu hợp quy. Tuy nhiên, trên sản phẩm không thể hiện rõ tên địa chỉ sản xuất mà chỉ ghi địa chỉ DN phân phối đó là "Công ty CP MHA" - thời trang SEVEN.am.
Các cửa hàng kinh doanh chưa xuất trình hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và bản công bố hợp quy của sản phẩm. Những vụ việc này khiến dư luận hết sức quan tâm, phải chăng lại tái hiện một vụ Khaisilk mới?
Trước đó chiều 4/11, Đội QLTT số 17 kiểm tra một cơ sở sản xuất quần áo tại 503 Bát Khối, quận Long Biên đã phát hiện và thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm quần áo không có hóa đơn chứng từ đang trong quá trình thay đổi tem nhãn thành "Made in Việt Nam" và gắn thương hiệu NEM, IFU.
Thực tế chống buôn lậu, gian lận thương mại của lực lượng chức năng cho thấy trong quá trình kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đã phát hiện trên sản phẩm, bao bì, phiếu bảo hành nhiều sản phẩm thể hiện bằng tiếng Việt. Đồng thời ghi thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ, trụ sở DN, trung tâm bảo hành tại Việt Nam nhằm đánh lừa người tiêu dùng hoặc lợi dụng dán mác hàng Việt để xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế.
Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Nguyễn Phương Nam, hiện có 15 nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ cao gồm: Nhóm hàng dệt may, máy vi tính; điện tử và linh kiện; điện gia dụng, điện thoại, nhôm, sắt thép; xe đạp, xe đạp điện, gỗ...
“Đây là hàng hóa mà Mỹ đang giám sát đặc biệt ở Trung Quốc và 6/15 nhóm hàng này đang bị Mỹ áp dụng đánh thuế thương mại. Trong khi đó, đây cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu cao, lượng nhập vào Việt Nam nhiều và xuất đi cũng nhiều. Do vậy, cần dựa vào dấu hiệu bất thường trong đầu tư, để kiểm soát chặt chẽ" - ông Nguyễn Phương Nam nhấn mạnh.
Luật còn kẽ hở, thiếu sức răn đe
Phân tích tác tại hại việc giả mạo xuất xứ hàng Việt có chiều hướng gia tăng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hàng lậu Trung Quốc vào Việt Nam đã nguy hại nhưng hàng được sản xuất tại Trung Quốc gắn mác “Made in Vietnam” nhập về Việt Nam để tiêu thụ, hoặc xuất đi nước thứ 3 còn gây tác hại khôn lường tới thương hiệu Việt. Để ngăn chặn tình trạng này đòi hỏi cần hàng rào pháp lý đủ mạnh qua đó tạo điều kiện cho lực lượng chức năng kiểm soát thị trường.
Theo Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên, hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy chuẩn thế nào là hàng "Made in Vietnam" Các quy định hiện hành vẫn chỉ đang trong giai đoạn hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh nên QLTT chỉ có thể kiểm tra, bắt giữ hàng hóa nhập lậu.
Trong khi đó, hàng hóa sản xuất trong nước, gắn nhãn “Made in Vietnam” chưa có căn cứ xác minh xuất xứ đó đúng hay không. ở khía cạnh khác, mức xử phạt đối với các hành vi như buôn bán, sản xuất hàng giả mới chỉ dừng lại mức xử phạt hành chính chỉ với vài chục triệu đồng, không đủ sức răn đe.
Chỉ ra những lỗ hổng pháp lý trong việc xác định nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Hà Nội Phạm Bá Dục cho hay, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu không quy định cụ thể về quy tắc xuất xứ và tiêu chí xuất xứ thế nào là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, mà việc ghi xuất xứ hàng hóa như cụm từ “sản xuất tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” được giao cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định. Lợi dụng kẽ hở này, không ít DN nhập khẩu linh kiện về Việt Nam lắp ráp bằng công nghệ “tuốc-nơ-vít” và gắn nhãn “xuất xứ Việt Nam”, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải: Sẽ sớm ban hành quy định tiêu chuẩn hàng hóa của Việt Nam

Hiện nay, người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Vietnam” và họ đang sử dụng hàng “Made in Vietnam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào các nhãn hàng.

Bộ Công Thương hiện đang lấy ý kiến người dân, DN về dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn hàng hóa của Việt Nam/hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để áp dụng cho hàng lưu thông trong nước. Khi văn bản được ban hành sẽ là cơ sở để xác minh xuất xứ của sản phẩm hàng hóa, ngăn chặn tình trạng gian thương giả mạo xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng. (Ánh Ngọc ghi)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần