Hà Nội ghi nhận hơn 1.400 ca mắc trong 8 tháng
Đoàn công tác Sở Y tế Hà Nội do Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương làm Trưởng đoàn đã kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh SXH tại huyện Đan Phượng.
Theo báo cáo từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Đan Phượng ghi nhận 65 ca mắc SXH. Số mắc bệnh tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021 (65 ca/28 ca). Trong đó, ghi nhận 1 ca tử vong tại thị trấn Phùng được chẩn đoán, nhận định do mắc bệnh SXH. Lũy kế từ 1/1/2022 đến nay, trên địa bàn huyện có 12 ổ dịch.
Huyện Đan Phượng đã chủ động đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch SXH. Huyện đã thành lập 16 đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh SXH. Huyện đã kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên/tổ phòng, chống SXH cộng đồng/đội xung kích diệt lăng quăng (bọ gậy). Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn.
Công tác điều tra, giám sát được triển khai 100% các ổ dịch cũ; khi có ca mắc mới/ổ dịch tại các khu vực có nguy cơ cao được quan tâm và chú trọng. Hàng tuần, các xã, thị trấn có báo cáo đánh giá về chỉ số BI tại địa phương. 16/16 xã, thị trấn tiếp tục về sinh môi trường hàng tuần tại các thôn, cụm, ngõ, các hộ gia đình, đặc biệt tập trung triệt để xử lý ổ dịch mới phát sinh nơi ở của các ca mắc mới... Qua công tác vệ sinh môi trường và giám sát, Tổ giám sát đã kiểm tra 202 lượt, 159.776 hộ đã được kiểm tra...
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương yêu cầu huyện Đan Phượng đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch SXH. Trong đó, UBND huyện chỉ đạo quyết liệt, huy động các đơn vị liên quan cùng vào cuộc chống dịch, xử lý các ổ dịch cũ và ổ dịch mới phát sinh.
Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đan Phượng cần tăng cường giám sát dịch tễ, phát hiện các ca bệnh, ổ dịch. Giám sát véc tơ bao gồm những khu vực ổ dịch cũ, khu vực nguy cơ cao. Điều tra, xử lý khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch; tăng cường công tác vệ sinh môi trường.
Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng tốt việc phân luồng khám bệnh, tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân... hạn chế các trường hợp diễn biến nặng, tử vong xảy ra.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cần bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh SXH tại các địa phương; tổ chức tập huấn và chủ động phối hợp với TTYT tăng cường việc kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời ổ dịch, hạn chế dịch bùng phát trên địa bàn.
Còn tại huyện Mê Linh, theo báo cáo của TTYT huyện, từ 8/8 - 30/8/2022, trên địa bàn huyện đã xuất hiện 2 ổ dịch sốt xuất huyết tại thôn Liễu Trì, xã Mê Linh và thôn Hoàng Xá, xã Hoàng Kim. TTTYT huyện phối hợp với chính quyền địa phương 2 xã nhanh chóng xử lý ổ dịch, xác minh dịch tễ về ca mắc sốt xuất huyết, giám sát véctơ truyền bệnh tại khu vực bệnh nhân thường trú. Đồng thời, thực hiện diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi các hộ gia đình trong bán kính 200m nhằm tránh mầm bệnh phát tán, lây lan ra diện rộng.
Huyện đã quyết liệt xử lý ổ dịch, các xã kích hoạt đội xung kích tiến hành vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy tại các điểm có nguy cơ cao. Đến nay, hai ổ dịch đã được khoanh vùng xử lý. Trạm y tế xã Mê Linh và Trạm y tế xã Hoàng Kim tiếp tục giám sát chặt chẽ người nghi mắc sốt xuất huyết tại khu vực có ổ dịch. Tăng cường tuyên truyền để người dân biết và chủ động phối hợp với chính quyền, ngành y tế tích cực, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch SXH.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 8 tháng năm 2022, toàn TP Hà Nội ghi nhận hơn 1.400 ca mắc SXH (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021) nhưng chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Một số quận, huyện có tỷ lệ mắc SXH cao như: Đống Đa, Ba Đình, Thanh Trì… Type virus gây bệnh phát hiện được trong năm 2022 là Dengue 1 và Dengue 2. Theo nhận định, dịch SXH sẽ gia tăng mạnh trong tháng 9 và tháng 10 tới. Hiện, số ca mắc SXH đang tăng khoảng 20%/tuần.
Nhằm ngăn chặn không để dịch SXH bùng phát, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu CDC Hà Nội phối hợp với TTYT các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh hoạt động giám sát véc tơ truyền bệnh, giám sát dịch tễ, đánh giá đúng tình hình dịch, phát hiện sớm ổ dịch và ca bệnh để xử lý kịp thời. Đồng thời tăng cường thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diện rộng...
Cùng với đó, rà soát trang thiết bị, hóa chất, vật tư…, bảo đảm đủ cho nhu cầu phòng, chống dịch SXH. Riêng đối với các cơ sở y tế, các bệnh viện, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
Nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết nguy kịch
Theo Bộ Y tế, thống kê tổng hợp từ các địa phương cho thấy, trong tuần 35/2022 (từ ngày 29/8 đến 4/9) cả nước ghi nhận cả nước ghi nhận 9.186 trường hợp mắc SXH. So với tuần trước (10.852 ca mắc, 3 trường hợp tử vong) số mắc SXH tuần này giảm 18,1%. Trong đó, số nhập viện là 6.784 trường hợp, so với tuần trước số nhập viện giảm 18,7%.
Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 190.005 trường hợp mắc, 72 tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (47.048/19) số mắc tăng 4 lần, tử vong tăng 53 trường hợp.
Tại miền Bắc, số ca mắc SXH vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang có chiều hướng gia tăng với nhiều ca bệnh nặng. Tuần vừa qua, đã có 4 trường hợp tử vong mà nguyên nhân chính là do bệnh nhân chủ quan, vào viện muộn khi bệnh diễn biến quá trầm trọng, các biện pháp can thiệp không thể cứu chữa.
Theo các bác sĩ, 4 bệnh nhân đã tử vong đều vào viện trong tình trạng rất nặng, suy gan, suy thận, có bệnh nhân nôn ra máu, chảy máu rất nhiều, xuất huyết trong cơ, xuất huyết tiêu hóa…
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhận định, năm nay, bệnh nhân SXH nặng xuất hiện sớm hơn, tăng nhanh hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn hẳn so với các năm trước đó. Nguyên nhân có thể do đặc tính của chủng virus Dengue gây bệnh năm nay, cũng có thể vì quần thể bệnh nhân mắc SXH mắc bệnh này sau nhiễm Covid-19, có các thay đổi về miễn dịch góp phần ảnh hưởng diễn biến trên bệnh nhân. Bên cạnh đó, ngành y tế đang gặp khó khăn, nhiều nơi thiếu thuốc hoặc nhân lực, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Ngoài ra, do suốt hai năm qua, cả hệ thống y tế tập trung vào phòng và điều trị Covid-19.
Theo các chuyên gia, bệnh SXH gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của SXH Dengue là SXH và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Sốt, nguy hiểm và hồi phục. Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Từ ngày thứ 4 thì nên vào viện bởi vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân khi có triệu chứng sốt, đau mỏi… nên đến cơ sở y tế khám để xác định căn nguyên bệnh, từ đó có theo dõi phù hợp, tránh trường hợp biến chứng nặng, điều trị khó khăn.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
Bên cạnh đó, các gia đình thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
Người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.