Để mùa lễ hội 2023 diễn ra thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục, các địa phương đang khẩn chương chuẩn bị điều kiện, phương án tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, hạn chế các hiện tượng tiêu cực phát sinh.
Tích cực chuẩn bị tổ chức
Sau ba mùa lễ hội gần như tê liệt vì Covid - 19, lễ hội chùa Hương 2023 rục rịch trở lại. Chùa Hương là lễ hội kéo dài bậc nhất cả nước, năm nay diễn ra trong ba tháng từ 23/1 - 23/4/2023. Ngày khai hội mùng 6 tháng Giêng như thường lệ, nhưng hiện nay, người dân xã Hương Sơn đang chuẩn bị thuyền, đò để chuẩn bị hạ thủy trong ít ngày tới. Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2023 đã thành lập 7 tiểu ban, 1 trạm kiểm soát vé thắng cảnh, 1 tổ liên ngành để bảo đảm an ninh trật tự không gian lễ hội.
Điểm nổi bật của lễ hội chùa Hương năm nay là Ban tổ chức đổi mới hình thức bán vé tham quan, từ hình thức vé truyền thống sang mô hình vé điện tử; đồng thời, sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé, bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đông Khê, để bảo đảm thông thoáng, tạo điều kiện cho du khách tham quan, trẩy hội. Ban tổ chức cũng thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe để du khách về chùa Hương có thể thuận tiện tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp của xã Hương Sơn.
Trưởng ban Quản lý khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho biết: “Yêu cầu đổi mới hình thức các hoạt động trong lễ hội được đặt ra nhằm đáp ứng nhu cầu của bà con đi lễ, để người dân hiểu rõ giá trị lịch sử của di tích, ý nghĩa của lễ hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động dịch vụ du lịch và lễ hội. Chúng tôi đặt mục tiêu đẩy lùi hiện tượng tiêu cực phát sinh”.
Tại Hà Nội, cùng với Lễ hội chùa Hương, Hội Gióng đền Sóc (Sóc Sơn) sáng mùng 6 tháng Giêng luôn là một trong những hội thu hút đông đảo Nhân dân tham gia. Vì vậy, tinh thần khẩn trương, chủ động của ban tổ chức là yếu tố quan trọng để làm nên mùa lễ hội trọn vẹn, thành công, không để lại rủi ro đáng tiếc.
Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích đền Sóc Đàm Thận Thắng cho biết, công tác chuẩn bị cho hội Gióng đang được tiến hành gấp rút: “Lãnh đạo huyện đã quán triệt tinh thần đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân tham gia lễ hội, tránh tình trạng chen chúc nhau. Năm nay, các trò chơi dân gian, quầy hàng trưng bày nông phẩm sẽ trở lại”.
Hạn chế tiêu cực
Những năm trước đây, dù cơ quan chức năng đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính nhưng một số hiện tượng tiêu cực, hình ảnh phản cảm, gây bức xúc trong dư luận vẫn xảy ra trong mùa lễ hội. Đó là hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy để cướp lộc tại một số lễ hội: Lễ hội đúc Bụt tại (Vĩnh Phúc), hội làng Sơn Đồng (hay còn gọi là lễ hội Giằng Bông, Hà Nội), hội phết Hiền Quan (Phú Thọ)...
Ngoài ra, hiện tượng bày bán hàng rong, đổi tiền hưởng chênh lệch, tăng giá dịch vụ vẫn diễn ra ở một số lễ hội lớn như lễ hội chùa Hương (Hà Nội), lễ hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh). Hiện tượng đặt tiền lễ không đúng nơi quy định, đặt tiền lẻ lên đầu/tay tượng Phật vẫn diễn ra ở nhiều nơi như chùa Bái Đính (Ninh Bình), Yên Tử (Quảng Ninh).
Mặt khác, một số lễ hội có nghi lễ rước lộc và tục cướp lộc xảy ra tình trạng đánh nhau khi những người bảo vệ lễ phẩm cố giữ, còn người dự hội lại cố tranh cướp. Việc lợi dụng tục cướp lộc của những người tham dự lễ hội đã làm mất đi nét truyền thống vốn rất đẹp của các lễ hội có từ nhiều đời nay.
Nhằm hạn chế những hiện tượng trên, các địa phương đã có phương án chuẩn bị. Trong đó, Bổ chức Lễ hội chùa Hương 2023 đã sắp xếp bộ phận hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định, bố trí bàn ghi công đức, đặt hòm công đức đảm bảo thuận tiện, quản lý chặt chẽ các điểm kinh doanh dịch vụ, không đổi tiền lẻ trong khu vực lễ hội.
Trưởng Ban quản lý khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho biết: Ban tổ chức sẽ thường xuyên kiểm tra các hoạt động văn hóa, xử lý nghiêm vi phạm, phòng ngừa các tệ nạn xã hội như bói toán, bán thẻ, sách báo ngoài luồng, thuốc nam giả không rõ nguồn gốc, đồ chơi trẻ em nguy hiểm.
Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức giao cho UBND xã Hương Sơn phối hợp với Ban quản lý khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mặt bằng kinh doanh, trong đó “tuyệt đối không được bố trí các điểm kinh doanh ở nội tự các chùa, động, đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn, khu vực sân của nhà thường trực, lòng đường đi động Hương Tích.
Tăng cường quản lý
Để giải quyết, khắc phục những tồn tại này và dần loại bỏ những lễ hội còn duy trì một số tập tục, hình ảnh không còn phù hợp với truyền thống văn hóa của Việt Nam được dư luận phản ánh nhiều trong thời gian qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu đúng ý nghĩa, giá trị của lễ hội. Qua đó, các tập tục “chém lợn” (Lễ hội Ném Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh), “Tế trâu” (Lễ hội đền Pu Nhạ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) đã được chính quyền và người dân các địa phương quyết định thay đổi hình thức tổ chức, giảm các hình ảnh phản cảm, bạo lực trong lễ hội.
Năm gần nhất tổ chức, nghi lễ rước lộc và tục cướp lộc tại lễ hội Gióng đền Sóc đã có thay đổi. Trong mùa lễ hội 2018, huyện Sóc Sơn đã thay đổi hình thức cướp lộc, các thôn thực hiện rước giò hoa tre và trầu cau từ đền Thượng xuống đền Hạ và đền Mẫu như mọi năm. Giò lộc của các thôn sẽ được làm nhỏ hơn để đưa vào trong đền Thượng, sau đó chia thành nhiều mâm để mang xuống đền Hạ và đền Mẫu, sau đó để mọi người xếp hàng lấy lộc.
Rút kinh nghiệm từ mùa lễ hội trước, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) đã ban hành Văn bản 1240/VHCS-NSVH gửi các Sở về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão.
Cục Văn hóa cơ sở đề nghị ngành văn hóa các địa phương chỉ đạo Ban tổ chức lễ hội bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định. Tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; triển khai hiệu quả việc xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội; kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch… diễn ra trong lễ hội; Xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, có phương án xử lý kịp thời tình huống phát sinh.
Trường hợp xảy ra ẩu đả, mất an ninh trật tự, phải yêu cầu dừng tổ chức, chỉ được tiếp tục khi ổn định trật tự. Tổ chức các phương án về trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới cho Nhân dân và du khách.
"Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) đã có công văn về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão. Trong đó, công văn chỉ đạo các địa phương kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh." - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) Ninh Thị Thu Hương