Ngăn chặn trục lợi bảo hiểm xã hội, cách nào?

Thái San
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - Vụ việc mới đây liên quan đến đường dây mua bán giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH được phát giác đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Việc làm giả giấy chứng nhận nghỉ ốm, làm khống giấy khám sức khỏe để bán cho người lao động đã tiếp tay cho nhiều người trục lợi BHXH, BHYT cần thiết phải xử lý nghiêm minh.

Hàng trăm tỷ đồng bị trục lợi

Cuối tháng 5/2023 vừa qua, Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ đồng loạt khám xét 8 cơ sở y tế trên địa bàn.

Sau khi khám xét, cơ quan chức năng đã thu giữ hàng trăm nghìn giấy chứng nhận bệnh nghỉ hưởng BHXH, giấy khám sức khỏe đã ghi khống kết quả (chưa có thông tin người khám)...

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định ngoài việc khám chữa bệnh, những phòng khám này còn mua bán, làm khống các loại giấy tờ như giấy chứng nhận nghỉ ốm, giấy khám sức khỏe để bán cho người lao động, chủ yếu là công nhân trong các công ty, tiếp tay cho nhiều người trục lợi BHXH.

Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ đồng loạt khám xét, kiểm tra cơ sở y tế có dấu hiệu vi phạm.
Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ đồng loạt khám xét, kiểm tra cơ sở y tế có dấu hiệu vi phạm.

Đến thời điểm này, cơ quan công an tiếp tục mời thêm những người liên quan đến các phòng khám đến làm việc để phối hợp điều tra. Theo công an, đây là chuyên án lớn mà cơ quan công an đang mở rộng điều tra.

Bước đầu xác định vụ này có quy mô rất lớn, ước lượng có vài chục nghìn người đã mua giấy chứng nhận nghỉ việc để trục lợi. Đáng nói số tiền trục lợi lên đến con số hàng trăm tỷ đồng.

Tại buổi họp cung cấp thông tin báo chí chiều 5/6, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho hay, việc chi trả chế độ BHXH hiện nay được thực hiện qua tài khoản và chỉ thanh toán khi đầy đủ thủ tục. Việc trục lợi quỹ BHXH như vụ việc tại Đồng Nai là có sự thông đồng giữa phòng khám và người lao động.

Trong khi đó, ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT BHXH Việt Nam cho hay, thực tế việc cấp giấy nghỉ ốm nhằm trục lợi quỹ BHXH, BHYT đã diễn ra nhiều năm nay.

BHXH luôn quan tâm đến tình trạng trục lợi BHYT thông qua rà soát hệ thống dữ liệu. Từ cuối năm 2022, BHXH Việt Nam đã đưa ra quy trình khám chữa bệnh BHYT và bảng thống kê dùng vật tư y tế... để kiểm soát.

Ngoài việc giám định điện tử, đơn vị có giám định trực tiếp, nhất là tại cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Nhờ vậy, BHXH đã từng ghi nhận trên hệ thống về thông tin một bác sĩ đăng ký khám chữa bệnh tại TP Hồ Chí Minh nhưng cùng thời gian phát hiện bác sĩ này đăng ký khám chữa bệnh tại cơ sở 2 ở Vĩnh Long...

Trả giá đắt bởi chế tài nghiêm khắc của pháp luật

Mới đây, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn, trong đó nhấn mạnh đến tình trạng trục lợi BHXH và rút BHXH một lần.

Vấn đề đáng chú ý là tình trạng mượn hồ sơ của người khác tham gia BHXH.

Theo báo cáo sơ bộ của BHXH Việt Nam (năm 2022), số người lao động mượn hồ sơ tư pháp mà cơ quan BHXH các địa phương đã phát hiện đến thời điểm hiện tại là 3.716 trường hợp.

Trong đó, đã giải quyết 9.320 lượt người hưởng chế độ ốm đau với số tiền trên 5,3 tỷ đồng, 301 lượt người hưởng chế độ thai sản với số tiền trên 3,7 tỷ đồng, 102 người hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số tiền trên 2,2 tỷ đồng, 71 lượt người hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe với số tiền trên 185 triệu đồng.

Liên quan vụ trục lợi bảo hiểm xảy ra tại Đồng Nai, trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định, có lẽ đây là vụ trục lợi bảo hiểm lớn nhất từ trước đến nay có nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia nên cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của từng đối tượng, đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi và xem xét các dấu hiệu cấu thành tội phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Với những hành vi cấp giấy tờ giả, các giấy chứng nhận tình trạng sức khỏe, hồ sơ bệnh án không đúng quy định của pháp luật về khám chữa bệnh thì đây là hành vi giả mạo trong công tác đối với những người có chức vụ quyền hạn ở trong phòng khám, các cơ sở y tế, hành vi này có thể bị xử lý hình sự theo Điều 359 Bộ luật Hình sự về tội giả mạo trong công tác với mức hình phạt cao nhất tới 20 năm tù (nếu cấp giấy tờ giả từ 11 giấy tờ trở lên).

Đối với những người không có chức vụ, quyền hạn mà thực hiện hành vi làm giả tài liệu, giả con dấu của cơ quan tổ chức thì sẽ bị xử lý hình sự về tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức theo Điều 341 Bộ luật Hình sự với chế tài cao nhất tới 7 năm tù (nếu làm ra từ 6 tài liệu con dấu trở lên)...

Đây là vụ án hình sự lớn, phức tạp, có liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ thận trọng xem xét đánh giá hành vi của từng tổ chức, cá nhân, thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh tội phạm.

Vụ án này sẽ là bài học cảnh tỉnh, cảnh báo cho việc cấp các giấy tờ chứng nhận về sức khỏe của các cơ sở y tế và việc sử dụng giấy khám sức khỏe vào các hoạt động nghề nghiệp, việc làm cũng như để thực hiện các quyền lợi của người lao động.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần