Dịch vụ bán lẻ, động lực bứt phá của các ngân hàng
Tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam (Vietnam Retail Banking Forum) do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức cuối tuần qua, Tổng thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng cho biết, dịch Covid-19 đã thúc đẩy các ngân hàng triển khai nhanh quá trình chuyển đổi số để thích ứng.
Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ OCB Nguyễn Văn Hương cho biết, OCB đã đa dạng hóa dịch vụ và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Theo đại diện Sacombank, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng xây dựng sản phẩm dịch vụ theo cách làm mới. Các ngân hàng đã có nhiều chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng số như: phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại từ Mobile banking, Internet banking, QR code, sử dụng công nghệ định danh điện tử (eKYC)… giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận, dễ sử dụng ở mọi nơi, mọi lúc, hạn chế tiếp xúc.
Việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ hiện đại trên nền tảng công nghệ số đã thúc đẩy thị trường ngân hàng bán lẻ phát triển hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy hệ sinh thái tài chính số. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức tăng trưởng cao, trong đó, qua kênh Internet tăng 48,8% về số lượng và 32,6% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 76,2% và 87,5%; thanh toán qua QR Code tăng trưởng 200% so với năm trước. Bên cạnh đó, cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đạt gần 200.000 tỷ đồng, tăng gần 6% so với 2020.
Tổng Thư ký VNBA cho rằng, nhờ xu hướng phát triển của ngân hàng bán lẻ mà các ngân hàng giữ được tốc độ tăng trưởng, vượt qua ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đồng thời tạo ra những giá trị gia tăng, hỗ trợ khách hàng trong lúc khó khăn (lũy kế hai năm hệ thống ngân hàng đã miễn giảm hơn 37.500 tỷ đồng tiền lãi vay, miễn phí khoảng 80% số lượng giao dịch với số tiền 2.557 tỷ đồng). “Sự tăng trưởng của ngành ngân hàng trong năm 2021 có đóng góp tích cực của dịch vụ bán lẻ” - ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.
Ngân hàng chuyển đổi số, chính sách chưa bắt kịp
Dự báo trong giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực ngân hàng tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó có phân khúc dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Gần 50% dân số Việt Nam sử dụng thương mại điện tử, đặc biệt là thế hệ trẻ với hành vi tiêu dùng mới. Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, có 80% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%...
Dù vậy, việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng bán lẻ cũng gặp nhiều thách thức. Chưa bao giờ vấn đề an ninh mạng, tội phạm tài chính tăng nhanh và nhiều như thời gian qua. Xu hướng này đòi hỏi các ngân hàng cần tăng cường biện pháp bảo mật, an toàn để tạo sự yên tâm cho người dùng. Ngoài ra, cuộc đua chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ nhưng hệ thống phát luật chưa bắt kịp.
Theo các chuyên gia, Luật Giao dịch điện tử 2005 sau gần 15 năm thực hiện đến nay đã bộc lộ những bất cập, nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế phát triển, không đáp ứng được nhu cầu của cuộc CMCN 4.0 cũng như công cuộc chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế (NHNN) Phạm Thanh Ngọc cho biết, có 4 vấn đề pháp lý cần quan tâm là: Xác thực khách hàng trong giao dịch điện tử (eKYC); khai thác, kết nối cơ sở dữ liệu (CSDL) của hệ thống thông tin tín dụng (CIC); phòng chống rửa tiền trong cung ứng dịch vụ bán lẻ và bảo mật thông tin trong hợp tác giữa ngân hàng và công ty fintech.
Theo kế hoạch của NHNN, trong năm 2022-2023 sẽ triển khai thử nghiệm các giải pháp xác thực khách hàng thông qua thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, định danh khách hàng giao dịch tại ATM, thay thế ATM do ngân hàng phát hành, tự động nhập liệu các thông tin cá nhân cần thiết trong quá trình giao dịch.
Bên cạnh đó, việc khai thác dữ liệu quốc gia cho định danh khách hàng còn hạn chế. Hiện có rất nhiều hệ thống dữ liệu riêng biệt (CSDL về dân cư, dữ liệu dịch vụ công (điện, nước), tài chính (chứng khoán, bảo hiểm), dịch vụ viễn thông nhưng chưa được kết nối để tổ chức tín dụng tiếp cận, sử dụng. Mỗi ngân hàng tự xây dựng một CSDL riêng.
Để đẩy nhanh tiến trình số hóa và xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số, theo Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng, yếu tố tiên quyết là cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý. Để kinh tế số và ngân hàng số tạo ra hiệu quả cao thì cần có những thay đổi về chính sách.
Ví như, quy định về eKYC đã có nhưng bước tiếp theo cần có sự chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hay cho phép hoạt động ngân hàng đại lý... Các cơ quan quản lý như NHNN, bộ ngành liên quan xem xét, đánh giá nên tiến hành vấn đề nào ưu tiên làm trước vấn đề nào làm sau để đưa ra hành lang pháp lý cho phù hợp. Đặc biệt là tư duy cởi mở, không khép kín, không quá an toàn thì mới làm hệ sinh thái ngân hàng số thành công được.