Ngân hàng Hà Nội “than” khó với tài sản đảm bảo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội tổ...

Kinhtedothi - Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội tổ chức chiều ngày 28/7, vấn đề được các ngân hàng đề cập nhiều nhất là những khó khăn trong công tác thu hồi tài sản đảm bảo. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Vốn huy động trung và dài hạn tăng mạnh

Theo báo cáo của NHNN Hà Nội, tính đến 30/6/2015, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn Hà Nội đạt gần 1.300.000 tỷ đồng, tăng 8,59% so với cuối năm 2014. Đáng chú ý, nguồn vốn huy động kỳ hạn dài trên 12 tháng tăng nhanh, tăng mạnh, chiếm 30,6% tổng nguồn vốn huy động. Hầu hết các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất các kỳ hạn ngắn và tăng lãi suất kỳ hạn dài để cân đối nguồn vốn.

Trong 6 tháng đầu năm, cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng được cải thiện. Các TCTD đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả gắn với kiểm soát chất lượng, điều chỉnh cơ cấu dư nợ và đầu tư hợp lý hơn, dòng vốn hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng cho đầu tư, kinh doanh. Đến 30/6, tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn tăng 11,82% so với cuối năm 2014. Trong đó, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 7,2%; Dư nợ cho vay DN nhỏ và vừa tăng 7,5%, lĩnh vực xuất khẩu tăng 7,7%...
Hoạt động cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội. 	Ảnh: Nha Trang
Hoạt động cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội. Ảnh: Nha Trang
NHNN Chi nhánh TP Hà Nội cũng trực tiếp tham gia cùng một số quận, huyện, sở, ngành tổ chức các cuộc đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Các TCTD tiếp tục diều chỉnh giảm từ 1 - 1,5% so với lãi suất cho vay thông thường, không vượt quá 7%/năm với cho vay ngắn hạn và 9% với cho vay trung và dài hạn. Đến hết tháng 6/2015, 80 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã cam kết dành gần 60.000 tỷ đồng hỗ trợ DN vay vốn, tăng 65,4% so với cuối năm 2014.

Xử lý tài sản đảm bảo vẫn vướng

Theo báo cáo của các TCTD trên địa bàn Hà Nội, tồn đọng trong xử lý nợ tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu đến 15/6/2015 còn khoảng 577 vụ việc với gần 14.000 tỷ đồng (chỉ thống kê các vụ từ 1 tỷ đồng trở lên). Dù hệ thống văn bản pháp luật quy định về xử lý tài sản thế chấp đã được Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan ban hành nhưng việc xử lý tài sản thế chấp vẫn hết sức khó khăn. Nhiều tồn tại, vướng mắc nhưng chưa được giải quyết triệt để do thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Đơn cử, với tài sản đảm bảo là bất động sản, liên quan đến rất nhiều cơ quan như Cục Thuế, Công an, UBND các cấp, Văn phòng nhà đất… Muốn xử lý được ngân hàng phải thu giữ được phần tài sản này. Tuy nhiên, trên thực tế, các bên thường chây ỳ, trì hoãn việc chuyển giao tài sản bảo đảm.

Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Agribank Hà Nội kiến nghị, hệ thống pháp luật cần có cơ chế để là sao DN không thể và không dám trốn nợ. Cũng có một thực tế khác là nhiều DN và các pháp nhân đã từng có nợ xấu và cố tình không trả nợ ngân hàng. Sau đó, họ lại lách bằng hình thức thành lập DN mới, ung dung, vô trách nhiệm với các khoản nợ ngân hàng. Trước thực trạng này, các TCTD trên địa bàn Hà Nội đề xuất UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương tăng cường phối hợp, hỗ trợ ngân hàng thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo để thu nợ. Đại diện NHNN TP Hà Nội kiến nghị, UBND TP Hà Nội thành lập trung tâm giao dịch và hỗ trợ pháp lý đối với các tài sản mà TCTD có nhu cầu xử lý để tạo thêm một kênh giúp việc xử lý tài sản đảm bảo được nhanh hơn.

Đánh giá cao những nỗ lực mà ngành ngân hàng đã đạt được thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, thời gian tới, TP sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN trên địa bàn. Về những khó khăn trong thu hồi và xử lý tài sản đảm bảo của ngân hàng, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết sẽ có văn bản thông báo kết luận, theo đó, yêu cầu các cơ quan chức năng như Sở TN&MT, Tư pháp…, các quận, huyện, thị xã phối hợp với ngân hàng trong thu hồi, phát mại tài sản thế chấp; đồng thời nhấn mạnh:  "Tính đến 30/6, nợ xấu của các TCTD trên địa bàn Hà Nội là hơn 5%. Chúng ta phải quyết liệt xử lý số nợ này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần