Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng không "hút" được kiều hối

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bất chấp những nỗ lực hút kiều hối của các ngân hàng, lượng người nhận kiều hối bán lại ngoại tệ cho ngân hàng vẫn không nhiều. Một lượng lớn kiều hối đang bị "chảy máu" ra thị trường tự do thay vì chảy vào kênh chính thống là ngân hàng.

Ngân hàng nỗ lực
 

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2011 sẽ đạt khoảng 9 tỷ USD, cao hơn mức kỷ lục 8 tỷ USD của năm 2010. Dù kinh tế khó khăn, lượng kiều hối về Việt Nam vẫn lớn. Điều này được giải thích là do ngoài mục đích chuyển tiền trợ cấp, khách hàng còn chuyền tiền về để làm ăn, đầu tư. "Trước đây, mục đích chuyển tiền là trợ cấp, chủ yếu là các món nhỏ lẻ, bà con Việt kiều chuyển về cho người thân chi tiêu, trả nợ. Còn hiện nay, có khá nhiều Việt kiều đã chuyển tiền về trong nước để đầu tư với những giao dịch khá lớn"- đại diện một ngân hàng cho biết.

Đón đầu dòng tiền dồi dào này, từ giữa quý III, nhiều ngân hàng đã tích cực triển khai các chương trình hút kiều hối. Tại Công ty Kiều hối Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank-SBR), thị trường Mỹ, Úc, Canada được chú trọng khai thác. Để cạnh tranh, công ty này phải lấy số lượng bù chất lượng, tăng thêm tiện ích cho đối tác, đồng thời rút ngắn tối đa thời gian chuyển tiền dự kiến. Doanh số chuyển tiền kiều hối năm 2011 của công ty này ước đạt 1,65 tỷ USD, tăng 25% so với năm ngoái và vượt gần 20% kế hoạch.

Còn Ngân hàng Công Thương (Vietinbank), ngoài việc thiết lập kênh chuyển tiền trực tiếp từ nước ngoài về Việt Nam, ngân hàng này còn phối hợp với các đối tác có uy tín tại các nước như Mỹ… triển khai nhiều dịch vụ chuyển tiền kiều hối như nhận tiền qua internet, qua điện thoại và đưa ra mức phí hết sức cạnh tranh. Đến hết năm 2011, lượng kiều hối chuyển về qua hệ thống Vietinbank ước đạt 1,3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng về số lượng giao dịch khoảng 15%.

Bên cạnh đó, các chương trình như tích điểm, tặng quà, tăng lãi suất các loại ngoại tệ phi USD… cũng được nhiều ngân hàng triển khai để khuyến khích khách hàng chuyển và gửi lại kiều hối tại ngân hàng.

Tạo niềm tin với VND

Năm 2011 được coi là "mùa vàng" của kiều hối. Nhưng, đáng lo nhất là một lượng rất lớn kiều hối nhiều năm nay không vào ngân hàng mà được bán ra thị trường tự do. Nguồn ngoại tệ này gây thêm áp lực cho tỷ giá.

Theo một số công ty kiều hối và các ngân hàng có thị phần chuyển kiều hối lớn thì lượng kiều hối được gửi hoặc bán lại cho ngân hàng trung bình chỉ 10 - 15%. Nếu chỉ 50% lượng kiều hối đó quay trở lại ngân hàng thì cơ bản cũng sẽ giải quyết được tình hình căng thẳng ngoại tệ.

Lãnh đạo Sacombank - SBR cho rằng, việc khách hàng nhận kiều hối có bán lại cho ngân hàng hay không là tùy thuộc vào tình hình thị trường. Lúc thị trường bình ổn, giá trên thị trường chính thức và thị trường tự do không chênh nhau nhiều thì khách hàng bán lại ngoại tệ cho ngân hàng tương đối lớn và ngược lại. Bên cạnh đó, ở vùng nông thôn, người nhận thường bán lại ngoại tệ cho ngân hàng nhiều hơn là ở thành phố.

Bởi vậy, theo ông Ngô Xuân Hải, Trưởng phòng Dịch vụ Kiều hối Vietinbank, để kiều hối không chảy ra thị trường tự do, trước hết, phải làm sao tạo sự ổn định của VND, đảm bảo khả năng sinh lời cho người nắm giữ VND. Bên cạnh đó, cần ổn định thị trường ngoại tệ, rút ngắn chênh lệch trên thị trường tự do và ngân hàng để khách hàng bán và gửi lại ngoại tệ cho ngân hàng. Việc làm nghiêm với các giao dịch trên thị trường ngoại tệ chợ đen cũng là rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho các giao dịch của người nhận kiều hối.

Việc áp trần lãi suất huy động USD 2% là chính sách để ổn định thị trường ngoại hối, chống đô la hóa nền kinh tế. Hiện, chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi VND và lãi suất USD khá cao, gửi VND sẽ có lợi hơn. Bởi vậy, mục tiêu của chính sách này là khuyến khích người dân chuyển hướng sang bán ngoại tệ để nắm giữ tiền Việt, đồng tiền vừa sinh lời mà nền kinh tế cũng đỡ bị đô la hóa. Trên thế giới, thông thường người ta thường chuyển từ ngoại tệ sang nội tệ. Do đó, đây là một chính sách đúng về mục tiêu và phù hợp với xu thế quốc tế. Người ta sẽ ưa chuộng tiền Việt hơn nếu tạo cho họ lòng tin vào sự ổn định của VND.

Ông Ngô Xuân Hải Trưởng phòng Dịch vụ Kiều hối Vietinbank.