Ngân hàng làm khó người vay

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị mới đây có bài phản ánh về việc các ngân hàng “vượt...

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị mới đây có bài phản ánh về việc các ngân hàng “vượt rào” chạy đua dư nợ khi tìm cách bắt tay chủ đầu tư tư vấn cho người mua nhà giải ngân một lần (80%) để được hưởng lãi suất 5% thay vì lãi suất thương mại sau 1/6.

Ngay lập tức cụm từ “lãi suất thương mại” trở thành từ khóa gây hoang mang cực độ.

Khách hàng hưởng gói vay 30.000 tỷ đồng chủ yếu là đối tượng thu nhập thấp “loay hoay” mãi mới ký được hợp đồng, hy vọng 2 - 3 năm sau có thể sở hữu ngôi nhà trong mơ bằng nguồn vốn ưu đãi. Thế nhưng năm lần bảy lượt những thông tin “dừng giải ngân” hay “áp dụng lãi suất thương mại thông thường đối với dư nợ giải ngân sau ngày 1/6” từ phía ngân hàng đang bào mòn niềm tin của nhóm đối tượng này.

“Tròng”… câu chữ

“Theo quy định của gói tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giải ngân trước thời gian 1/6 chắc chắn sẽ hưởng lãi suất 5% của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Còn giải ngân sau hạn định phải xem NHNN có ra gói tái cấp vốn mới nữa hay không? Nếu không thì xác suất khách hàng phải chịu lãi suất thương mại là rất cao”  - một nhân viên ngân hàng khẳng định với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị khi tư vấn “lách luật” giải ngân một lần.
Nhân viên kinh doanh bất động sản tư vấn cho khách chọn mua nhà tại một dự án ở Hà Nội. 	Ảnh: Phạm Hùng
Nhân viên kinh doanh bất động sản tư vấn cho khách chọn mua nhà tại một dự án ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Chị P.D, một khách hàng vay gói 30.000 tỷ đồng cho hay: “Khi mua nhà tôi được nhân viên môi giới và ngân hàng tư vấn vay gói 30.000 tỷ đồng được hưởng lãi suất ưu đãi 5%, cố định trong 15 năm. Lúc đó do lần đầu tiên mua nhà cộng với kiến thức hạn chế, tôi tin tưởng sẽ giải ngân cho đến khi nhận nhà với lãi suất 5% trong 15 năm nên yên tâm ký hợp đồng vay vốn”.

Chia sẻ của chị P.D, cũng là điều nhầm tưởng nghiêm trọng của phần đông khách hàng thu nhập thấp đã vay gói 30.000 tỷ đồng. Thực tế, về mặt câu chữ Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 của NHNN không đơn giản như vậy. Cụ thể, với căn hộ có giá 1 tỷ đồng, khách được vay tối đa 800 triệu đồng thì số tiền này là nợ gốc chia đều trong 15 năm, tiền lãi tính theo số dư nợ thực tế. Tham chiếu trên quyết định của NHNN, đến ngày 1/6 tới, số tiền chưa giải ngân theo tiến độ phải tính theo lãi suất thương mại. Như vậy, hàng tháng người mua nhà phải trả lãi chênh lệch quá cao, không đúng với tên gọi hỗ trợ người thu nhập thấp. Nếu không có hạn định 1/6 thì khách hàng trả lãi bình thường nhưng sau khi có thông tin mới số lãi phải trả cao hơn 5%. Như trong trường hợp của chị P.D, số lãi trả hàng tháng khi ngân hàng giải ngân hết là 16 triệu đồng (nếu giả sử lãi suất thương mại là 8%), trong khi nếu không áp dụng thông tư trước ngày 1/6, lãi suất trả chỉ 10 triệu đồng.

Anh Trần Q. đang mua nhà tại một dự án NƠXH lo lắng: “Theo tiến độ đến 6/2016 ngân hàng mới chỉ giải ngân được cho gia đình tôi 35%. Thông tin dư nợ sau khi hết thời điểm giải ngân gói 30.000 tỷ áp dụng theo lãi suất trôi nổi trên thị trường như một cơn ác mộng. Vì nếu vay hơn 500 triệu đồng với lãi suất 8 - 12% cộng với tiền trả hàng tháng trở thành gánh nặng quá lớn...?”

Cuộc đua lãi suất mới?
Gói hỗ trợ cho vay mua nhà 30.000 tỷ đồng bắt đầu triển khai từ 6/2013. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến 31/12/2015, tổng số tiền đã cam kết là 26.999 tỷ đồng (đạt 90%), đã giải ngân  17.711 tỷ đồng (đạt 59%). Trong đó, đối với hộ gia đình, cá nhân, đã ký hợp đồng cam kết cho vay 40.037 hộ với số tiền 19.225 tỷ đồng. Đã giải ngân cho 39.883 hộ với số tiền 13.771 tỷ đồng. Đối với tổ chức, đã cam kết cho vay 60 dự án với số tiền là 7.774 tỷ đồng và giải ngân cho 58 dự án, dư nợ là 3.940 tỷ đồng.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là hết hạn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho đối tượng thu nhập thấp. Gói ưu đãi này suốt từ đầu đến nay chưa ngày nào suôn sẻ. Lúc thiếu điều kiện, lúc vướng thủ tục. Ước mơ an cư lạc nghiệp đã khép lại với nhiều gia chủ. Người may mắn ký được hợp đồng thì hiện tại như “ngồi trên đống lửa. “Muốn được giải ngân từ gói này, các ngân hàng phải vay tái cấp vốn từ NHNN. Mà theo Thông tư số 11/2013/TT-NHNN thì sẽ kết thúc giải ngân vào ngày 1/6/2016, sau đúng 3 năm. Thông thường thì hiểu, hết hạn là dừng ký mới hợp đồng, còn những hợp đồng đã cam kết giấy trắng mực đen thì phải giải ngân cho khách hàng theo lãi suất 5% trong 15 năm. Nhưng trong trường hợp này, thì đã cam kết cho vay đầy đủ để mua nhà theo đúng hợp đồng, bất ngờ kết thúc giải ngân, chấm dứt hợp đồng tín dụng. Tức là mới mua được một phần nhà với lãi suất ưu đãi 5%, muốn đủ tiền mua nhà thì đành phải chuyển qua vay lãi suất cao hay bỏ dở hợp đồng mua nhà. Vay vốn lãi suất thương mại không được ưu đãi, thì lãi suất cao cỡ gấp đôi, nhưng cũng rất khó vay vì thu nhập thấp và thiếu tài sản bảo đảm. Vay bên ngoài thì không thể trả nổi lãi suất cao ngất ngưởng. Đâm ra khách hàng hoang mang, sợ hãi trước nguy cơ đang lớn dần. Vì vậy các cơ quan chức năng cần nhanh chóng có động thái xử lý, tránh tình trạng mang con bỏ chợ” - ông Đức nhấn mạnh.

Ở góc nhìn kinh tế, TS Ngô Trí Long cho rằng, “kẽ hở” của Thông tư vô tình tạo ra một cuộc đua lãi suất với mặt bằng lãi suất mới sau thời gian 1/6. Hiện tại, các ngân hàng, chủ đầu tư và khách hàng đang đau đầu tìm lối thoát. Sau hạn định 1/6 tới, ngân hàng có thể khó giải ngân do lãi suất cao khách hàng không thể vay, dẫn đến chủ đầu tư cũng không có tiền để xây dựng theo tiến độ. Từ đó tất yếu ngân hàng và chủ đầu tư tìm mọi cách để “lách luật”.