Ngân hàng phá sản và nỗi lo “ai là kẻ tiếp theo?”

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 15 năm sau sự thất bại của Lehman Brothers, Mỹ lại một lần nữa bất an về lĩnh vực ngân hàng của mình. Đáng nói, nỗi lo sợ về việc ngân hàng nào có thể bị phá sản tiếp theo dường như đang có dấu hiệu vượt ra ngoài biên giới Mỹ.

Quá khứ dội lại

Bất chấp những lời trấn an từ cả Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen về sự ổn định của hệ thống ngân hàng Mỹ, các nhà đầu tư sành sỏi như tỷ phú Bill Ackman đang gọi vụ phá sản của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) hôm 10/3 vừa qua là “sự kiện Bear Stearns của thời đại này”.

Một khách hàng đứng bên ngoài trụ sở Ngân hàng Silicon Valley đã bị đóng cửa vào ngày 10/3/2023 tại Santa Clara, California, Mỹ. Ảnh: Getty Images
Một khách hàng đứng bên ngoài trụ sở Ngân hàng Silicon Valley đã bị đóng cửa vào ngày 10/3/2023 tại Santa Clara, California, Mỹ. Ảnh: Getty Images

Bear Stearns là ngân hàng đầu tư của Mỹ đã phá sản vào tháng 8/2007, một năm trước khi cuộc Khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào tháng 9/2008.

SVB cũng là một ngân hàng đầu tư nắm giữ hơn 200 tỷ USD tài sản và 175 tỷ USD tiền gửi vào cuối năm 2022, trước khi buộc phải bán lỗ 1,8 tỷ trái phiếu chính phủ.

Những điều này nghe có vẻ giống trường hợp của Bear Stearns, nhưng chỉ có một điểm khác biệt ở lần này là việc Chính phủ Mỹ tuyên bố không cứu trợ SVB, mặc dù đảm bảo thanh khoản tiền gửi. Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) bảo hiểm tới 250.000 USD tiền gửi, nhưng ít nhất 90% tài khoản SVB đã vượt quá mức đó.

“Hãy để tôi nhắc lại, rằng trong cuộc Khủng hoảng tài chính (2008 - 2009), có những nhà đầu tư và chủ sở hữu của các ngân hàng lớn đã được giải cứu” - đương kim Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói hôm 13/3 - “Và sau đó đã có những cải cách, nghĩa là chúng tôi sẽ không ở đây để lặp lại điều đó một lần nữa”.

Tuy nhiên, việc Washington khoanh tay với SVB - ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ - lại gợi nhắc đến “cơn địa chấn” Lehman Brothers phá sản năm 2008, khi mà Chính phủ liên bang thời điểm đó cũng quyết định không cứu ngân hàng này nữa.

Đó là nửa năm sau khi họ cứu trợ Bear Stearns bằng cách cung cấp 29 tỷ USD, tạo điều kiện bán tổ chức này cho JPMorgan Chase.

Cũng kể từ năm 2008, các cải cách tài chính đã được thực hiện, nhưng liệu đó có phải là sự thay đổi mà hệ thống ngân hàng Mỹ cần hay không thì vẫn còn là điều gây tranh cãi đến ngày nay.

Theo Đạo luật Dodd-Frank năm 2010, các nhà lập pháp Mỹ đã đặt ngưỡng 50 tỷ USD đối với một tổ chức tài chính bắt đầu bị giám sát chặt chẽ hơn, khi được chỉ định là Tổ chức tài chính quan trọng về mặt hệ thống (SIFI).

Nhưng đến năm 2018, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Donald Trump đã ký luật nâng giới hạn SIFI lên 250 tỷ USD, qua đó loại bỏ SVB khỏi danh sách SIFI. Đáng nói, SVB chính là một trong những tổ chức thúc đẩy sự thay đổi gây tranh cãi này.

Ngay từ năm 2015, Giám đốc điều hành SVB Greg Becker từng lập luận rằng ngưỡng SIFI nên được nâng lên vì chi phí quy định cao hơn đã cản trở khả năng cung cấp tín dụng của ngân hàng.

Vấn đề thực sự của SVB được các chuyên gia lý giải là việc có quá nhiều tiền mặt, nhưng lại có ít nơi để đầu tư vào đối với dòng tiền công nghệ khổng lồ.
Đến thời điểm hiện tại, SVB vấp phải một hệ quả mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạo ra trong cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa thể thấy hồi kết: Lãi suất tăng chóng mặt, làm giảm giá trị của hàng đống trái phiếu kho bạc 10 năm mà SVB đã tích lũy với mức lãi suất thấp lịch sử trước đó.

“Thủy triều đang rút” với ngành ngân hàng?

Giữa bối cảnh Bộ Tư pháp Mỹ đang tiến hành điều tra để tìm ra người phải chịu trách nhiệm cho sự cố của SVB lúc này, một câu nói nổi tiếng của nhà đầu tư vĩ đại Warren Buffett đã được dẫn lại trong những ngày gần đây.

“Cho đến khi thủy triều rút, bạn sẽ không phát hiện ra ai đang bơi khỏa thân” - câu nói của tỷ phú Warren Buffett vào năm 1994, nhưng trở nên phổ biến hơn sau sự sụp đổ của các ngân hàng Mỹ hồi năm 2008.

Giới chuyên gia tài chính hiện có cơ sở để tin rằng “thủy triều đang rút” với ngành ngân hàng Mỹ. Chỉ 2 ngày sau khi SVB được tuyên bố phá sản, New York đã đóng cửa một ngân hàng khác là Signature.

Ngân hàng này đã nắm giữ khá nhiều hoạt động kinh doanh tiền điện tử, khi 22% tiền gửi của nó là từ các khách hàng tài sản kỹ thuật số.

Signature đã tỏ ra “loạng choạng” sau sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử và quỹ phòng hộ FTX hồi tháng 11 năm ngoái, với việc mất hàng tỷ đô la tiền gửi.

Xét về quy mô, sự sụp đổ của Signature là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ 3 trong lịch sử Mỹ, trong khi sự cố có tính ảnh hưởng về mặt hệ thống hơn của SVB là vụ việc lớn thứ 2, chỉ sau Washington Mutual trong cuộc Đại suy thoái (1929 - 1933).

Khi Signature Bank được tuyên bố phá sản hôm 12/3, báo chí gọi đó là vụ sụp đổ ngân hàng thứ 2 tại Mỹ trong thời gian ngắn, nhưng thực tế lại là lần thứ 3.

Ngay cả trước khi SVB phá sản, một ngân hàng khác ở California là Silvergate Capital đã sập dưới áp lực của hoạt động kinh doanh tiền điện tử. Các khách hàng tiền số cũng đã tháo chạy sau sự sụp đổ của FTX, buộc Silvergate Capital phải bán chứng khoán khấu hao của mình.

Tổn thất nặng nề nhất ở Mỹ lúc này được tin là chủ yếu sẽ tập trung vào các ngân hàng vừa và nhỏ, vì các ngân hàng này có nguy cơ bị khách hàng rút tiền hàng loạt và gửi vào các ngân hàng lớn hơn.

Chẳng hạn, Bank of America - ngân hàng lớn thứ 2 ở Mỹ - đã mang về hơn 15 tỷ USD tiền gửi khi mọi người chuyển tiền của họ đến một tổ chức mà họ tin là “quá lớn để phá sản”. Đáng nói, nỗi lo sợ ngày một lớn về việc ngân hàng nào có thể bị phá sản tiếp theo đang có dấu hiệu vượt ra ngoài biên giới Mỹ.

Chỉ một ngày sau cảnh báo của chuyên gia Phố Wall Robert Kiyosaki - người từng dự báo chính xác về sự sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008, rằng Credit Suisse có thể là “kẻ tiếp theo phá sản”, cổ phiếu của ngân hàng lớn thứ hai ở Thụy Sĩ này đã giảm hơn 25% hôm 15/3.

Đã có báo cáo rằng cổ đông lớn nhất của Credit Suisse sẽ không bơm thêm tiền vào tổ chức cho vay này nữa, buộc ngân hàng phải kêu gọi sự hỗ trợ từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ. Nhưng ngay cả trước đó, cổ phiếu của Credit Suisse cũng đã giảm hơn 20%, kéo theo toàn bộ chỉ số ngân hàng châu Âu giảm hơn 6%.

Chứng khoán Mỹ đã hồi phục vào thứ Ba sau cú sốc SVB, nhưng lại tiếp tục nối gót thị trường châu Âu sụt giảm hôm 15/3 vì mối nguy Credit Suisse - được tin sẽ là một vấn đề lớn hơn vì quy mô của ngân hàng này.

Vào năm 2021, Credit Suisse có tài sản trị giá 1,7 nghìn tỷ USD. Biến động của thị trường chứng khoán toàn cầu vào thứ Tư tuần này đã khiến một số tiêu đề báo chí so sánh nó với “Thứ Tư Đen tối” năm 1992, khi đồng bảng Anh sụp đổ ở Vương quốc Anh, gây chấn động trên toàn thế giới.

Gary Greenwood, nhà phân tích ngân hàng tại Shore Capital, cho rằng mặc dù có một loạt vấn đề cụ thể dẫn đến sự sụp đổ của SVB ở Mỹ, “nhưng vẫn tồn tại nỗi lo lắng chung trên thị trường toàn cầu, ngay cả khi không có mối lo ngại cụ thể nào được nêu bật”.

Trong khi đó, Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng Bắc Mỹ tại Capital Economics, nhận định: “Ngay cả khi sự sụp đổ của một số ngân hàng hạng trung không phát triển thành một cuộc khủng hoảng hệ thống toàn diện, thì nhiều khả năng nó sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tín dụng”.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần