Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng sẽ đẩy vốn ra nhiều hơn sau chỉ đạo của Thủ tướng?

Theo VnEconomy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất hiện một điểm mới trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu tăng trưởng tín dụng...

Sáng 5/6, Ngân hàng Nhà nước sẽ có buổi họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và tình hình hoạt động hệ thống ngân hàng 6 tháng đầu năm 2017.
Dự kiến con số tăng trưởng tín dụng sẽ được cập nhật mới tại buổi họp báo. Trước đó, tín dụng đã có tốc độ tăng trưởng mạnh ngay những tháng đầu năm, và sau nhiều năm hoạt động ngân hàng mới tránh được tình trạng tăng trưởng âm trong cho vay ở những tháng khởi đầu này.
Diễn biến tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm đã có khác biệt lớn, tăng mạnh và rải đều vốn qua các tháng. Tốc độ đó có thể sẽ tiếp tục thể hiện trong nửa cuối 2016, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 đạt trên 18%.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ vừa bàn hành Chỉ thị số 24/CT-TTg giao các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.
Chỉ thị trên nêu rõ yêu cầu đối với Ngân hàng Nhà nước: xây dựng phương án cụ thể phấn đấu thực hiện giảm lãi suất tín dụng cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với diễn biến lạm phát, kết quả xử lý nợ xấu và yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 đạt trên 18%; theo dõi sát diễn biến của tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao để có những đánh giá, giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Một điểm mới đã xuất hiện trong chỉ thị: phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 đạt trên 18%. Trước đó, từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã trù tính chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở khoảng 18%, có điều chỉnh linh hoạt theo thực tế.
Nay, chỉ thị phấn đấu đạt trên 18% đưa ra, trong định hướng của Chính phủ quyết tâm đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm nay ở 6,7%, cũng như tăng cường hoạt động và nguồn vốn, cơ chế… hỗ trợ doanh nghiệp.
Cùng đó, diễn biến của lạm phát, tỷ giá và lãi suất từ đầu năm, cũng như hiện nay đã và đang có những thuận lợi để có thể thực hiện yêu cầu trên.
Trong 5 tháng đầu năm 2017, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp và có triển vọng đạt mục tiêu điều hành đề ra; tỷ giá USD/VND chỉ trải qua một đợt biến động ngắn rồi khá ổn định cho đến nay; lãi suất khá ổn định, đặc biệt là xu hướng giảm nhanh và mạnh trên thị trường liên ngân hàng gần đây, gắn với thanh khoản hệ thống dồi dào trở lại.
Chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ cũng đặt ra khả năng một số ngân hàng thương mại sẽ được xem xét nâng giới hạn tăng trưởng tín dụng năm nay.
Như trong quý 1 vừa qua, khá nhiều ngân hàng thương mại đã có tốc độ tăng trưởng tín dụng rất cao, như LienVietPostBank đã lên tới 11%, Kienlong Bank 10,3%, ACB 8,3%, Vietcombank 8,3%... Giới hạn tín dụng còn lại khá hạn chế, trong khi điều kiện nguồn vốn của những thành viên này khá thuận lợi. Gần đây, một số ngân hàng thương mại cũng đã có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2017.
Với chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng có thể sẽ được đẩy ra mạnh hơn. Đây cũng là một trong những động lực chính hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, góp phần kích thích tăng trưởng GDP.
Nhiều năm qua và hiện nay, Việt Nam có nền kinh tế dựa vào nguồn tín dụng ngân hàng lớn, với mức độ tín dụng lên tới 110-120% GDP.
Đáng chú ý, cùng với lượng tín dụng lớn và tăng cao thời gian qua, cũng như dự kiến từ nay đến cuối năm, hệ thống các tổ chức tín dụng và việc điều tiết của Ngân hàng Nhà nước còn có vai trò phối hợp, hỗ trợ cho chính sách tài khóa đảm bảo mục tiêu huy động vốn, qua hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ diễn ra thuận lợi từ trong năm 2016 đến nay.