Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng “tận thu” dịch vụ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Tăng tốc" dịch vụ thanh toán quốc tế, mở rộng kinh doanh vàng, ngoại tệ, dịch vụ thẻ…, các ngân hàng đang tìm mọi cách phát triển dịch vụ để hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cho một năm tín dụng khó khăn.

Từ phát triển dịch vụ “không đụng hàng”

Tại Đại hội cổ đông của Ngân hàng Tiên Phong (Tienphong Bank) mới đây đã xác định hướng kinh doanh đặc trưng, không "đụng hàng" để làm lợi thế cạnh tranh với ngân hàng bạn, đó là phát triển các dịch vụ liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng và khai thác hiệu quả lĩnh vực ngân hàng điện tử và ngân hàng ưu tiên. Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Tienphong Bank cho biết: Chúng tôi sẽ tận dụng thế mạnh của DOJI - cổ đông lớn nhất của ngân hàng để mở rộng hoạt động sang lĩnh vực kinh doanh vàng, tạo đà tham gia ổn định thị trường vàng cùng một số ít ngân hàng khác. DOJI sẵn sàng hỗ trợ để đưa Tienphong Bank trở thành ngân hàng thứ 6 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép tham gia ổn định thị trường vàng. Một hướng nữa nhiều tiềm năng cho Tienphong Bank là cấp tín dụng và dịch vụ tài chính cho hơn 12.000 hộ kinh doanh vàng miếng sẽ phải chuyển đổi ngành nghề sang chế tác và kinh doanh vàng trang sức. Nếu được NHNN cấp phép, thời gian tới, Tienphong Bank sẽ thực hiện các hoạt động mua, bán vàng miếng thông qua hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch của mình.

Một dịch vụ khá "được lòng" khách hàng mà các ngân hàng triển khai mạnh trong thời gian gần đây là liên kết với các đơn vị phân phối, siêu thị… thực hiện các chương trình giảm giá cho khách hàng khi thanh toán bằng thẻ ngân hàng. Hiện, Vietinbank, ACB, ANZ… đang có nhiều chương trình giảm giá đến 90% tại các siêu thị, website mua sắm như Pico, MediaMart, cungmua.com… khi thanh toán bằng thẻ của các ngân hàng này. Bên cạnh giảm giá cho chủ thẻ, Sacombank còn "hào phóng" chi cả hoa hồng cho người giới thiệu khách làm thẻ. Chị Minh Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trước đây, chị không quen thanh toán bằng thẻ vì các điểm chấp nhận thẻ chưa nhiều, không thuận tiện... "Tuy nhiên, thời gian gần đây, đi đâu cũng thấy thanh toán qua thẻ được ưu đãi, giảm giá rất nhiều nên mình đang tính sẽ làm thẻ Visa để thanh toán cho tiện"- chị Minh Anh nói.
 
Ngân hàng “tận thu” dịch vụ - Ảnh 1
Giao dịch tại một chi nhánh của VPBank. Ảnh: Thanh Hải

Đến “tận thu” ATM?

Câu chuyện tăng thu từ dịch vụ được bàn luận nhiều thời gian gần đây là việc các ngân hàng tự ý nâng phí các giao dịch ATM. Nhiều người đặt câu hỏi, không biết có phải vì hoạt động tín dụng quá khó mà ngân hàng tìm cách tận thu từ dịch vụ thẻ, khi dịch vụ này đã khá phổ cập với người dùng?

Cuối tháng 7, anh Nguyễn Đông (quận Long Biên) ngỡ ngàng khi thấy ngân hàng thông báo trừ 5.000 đồng/tháng phí duy trì tài khoản ATM. "Khi làm thẻ đã có số dư tiền gửi tối thiểu, hàng năm có phí thường niên 100.000 đồng, sao mỗi tháng lại có thêm phí duy trì tài khoản nữa. Vô lý quá!"- anh Đông thắc mắc. Theo biểu phí áp dụng từ ngày 15/4/2012, được đăng trên website Techcombank, mỗi chủ thẻ Techcombank Visa phải "gánh" đến gần 15 thứ phí: phí phát hành thẻ lần đầu, phí thường niên, phí các giao dịch qua ATM…

Theo TS Lê Thẩm Dương, Đại học Ngân hàng TP. HCM, ngân hàng không hề thiệt thòi dù có miễn thu phí thẻ ATM. Bởi, ngoài khoản lãi thu được từ số dư trong tài khoản khách hàng, với xu hướng thương mại điện tử như hiện nay, tiềm năng lợi nhuận từ dịch vụ thanh toán qua thẻ là rất lớn. "Tại sao các ngân hàng không chia sẻ khoản lợi nhuận đó cho các chi phí ATM thay vì tận thu để khách hàng quay lưng?"- TS Lê Thẩm Dương đặt câu hỏi.

Mới đây, NHNN đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại phát hành thẻ tự đề xuất các mức phí đối với thẻ ATM để chuẩn bị cho việc thu phí vào 2013. Đây được coi là động thái "bật đèn xanh" để các ngân hàng chuẩn bị thu phí ATM nội mạng năm sau.