Ngân hàng bị tồn kho do bí đầu ra
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 5, tiền gửi của dân cư đạt hơn 6,34 triệu tỷ đồng, cao hơn nhiều so với con số 5,74 triệu tỷ đồng tiền gửi của các tổ chức kinh tế. Tính ra, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng liên tục từ tháng 9 năm 2022 đến nay. Nếu tính trong 5 tháng đầu năm 2023, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm gần 400.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại, tăng trưởng tín dụng tính đến tháng 7/2023 giảm mạnh từ trước đến nay. Cũng theo số liệu mới nhất của NHNN, tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022.
Trong khi đó, theo công bố trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 4, 5 và 6 đạt lần lượt 3,03 - 3,27 - 4,73%. Như vậy, sau khi có sự hồi phục tích cực trong tháng 6, tín dụng lại bất ngờ chững lại, thậm chí là tăng trưởng âm trong tháng 7. Điều này cho thấy cầu tín dụng trong nền kinh tế vẫn đang khá trì trệ, trong bối cảnh triển vọng kinh tế chưa thật sự khởi sắc.
Trước những khó khăn rất lớn với thực tế sản xuất, kinh doanh của các DN, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sâu sát, thường xuyên, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành để khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế, trong đó tập trung tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các vấn đề đang còn vướng mắc, liên quan đến việc giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu DN và thị trường bất động sản... qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Sức hấp thụ vốn trong nền kinh tế vẫn còn yếu, DN khó khăn, còn bất động sản chưa thoát đáy. Nên tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm nay có thể đạt khoảng 11 - 13%/năm, thấp hơn so với mức 14,5% trong năm 2022.
Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh - TS Nguyễn Hữu Huân
Đến cuối tháng 8, lãi suất điều hành đã liên tục được điều chỉnh giảm 4 lần với mức giảm từ 0,5 - 2%/năm, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất thế giới liên tục tăng và neo ở mức cao. Các ngân hàng thương mại cũng đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi, nhằm kích thích nhu cầu vay vốn. Bởi trong bối cảnh, tín dụng tăng trưởng chậm, áp lực về nguồn vốn ứ đọng cũng khiến nhiều ngân hàng phải chịu áp lực giải ngân nguồn vốn đã huy động.
Chọn mặt gửi tiền đâu dễ
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thép Vina Kyoei Nguyễn Ngọc Quang nêu thực tế, những DN lớn, hoạt động hiệu quả, ngân hàng trải thảm cho vay, thậm chí còn chấp nhận cho vay tín chấp.
Tuy nhiên, những DN nhỏ, vốn điều lệ thấp thì việc tiếp cận vốn lại vô cùng khó khăn. Ông Quang cho biết: “Đã là DN nhỏ thì rất ít hoặc không có tài sản thế chấp. Quy mô DN cũng không đủ tin tưởng để ngân hàng cho vay tín chấp, DN nhỏ đã khó lại càng khó hơn”.
Giám đốc Công ty CP Tập đoàn HDC Vũ Công Huân chia sẻ, những tháng đầu năm 2023, DN thủy sản thực sự khó khăn khi nhu cầu giảm, DN mất 25- 27% đơn hàng. Theo ông Huân, có 3 nguyên nhân khiến DN gặp khó khi vay vốn. Điển hình như hạn mức tín dụng của DN được cấp 80 tỷ đồng nhưng khi giải ngân thực tế, DN chỉ được nhận 8 - 10 tỷ đồng.
“Nguyên nhân là ngân hàng yêu cầu DN phải có tài sản bảo đảm. Không có tài sản bảo đảm, dù báo cáo tài chính tốt, dòng tiền tốt, DN cũng không được vay thêm” - ông Huân nói.
Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,5%/năm trong quý III/2023, đưa lãi suất điều hành về 4%/năm. Quý II xuất hiện một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay và trào lưu này sẽ thấy rõ rệt hơn vào nửa cuối năm.
Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC Yun Liu
Vậy đẩy vốn ra như thế nào trong giai đoạn hiện nay? Chừng nào sức khỏe DN còn yếu thì các lực lượng kinh tế vẫn tiếp tục bất động, dù ngân hàng tìm cách kích tín dụng, bơm vốn. Hiện nay, số DN đứng trước nguy cơ phá sản vẫn cao. Người tiêu dùng cũng đã căn cơ hơn với cách ứng xử chi tiêu của mình.
“Ngân hàng đứng trước hai lựa chọn, hoặc là chết trên đống tiền hoặc phải tìm cách đẩy vốn ra, nhiều ngân hàng đã tìm cách tiếp cận với DN bằng các gói hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp. Tuy nhiên, muốn đẩy vốn ngân hàng cũng chọn mặt gửi tiền. Việc vay vốn với các DN lớn khá thuận lợi nhưng với các DN nhỏ vẫn hết sức khó khăn” - TS Vũ Đình Ánh nhận xét,
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, Việt Nam đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều trở ngại, thách thức, gây áp lực lớn đối với hoạt động của các DN trong nền kinh tế.
Việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực DN là ưu tiên hàng đầu, trong đó sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, mục tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn sẽ phải đặt ra thông qua một số biện pháp cụ thể. Về phía các ngân hàng thương mại, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu cần chủ động giảm mặt bằng lãi suất, giảm các loại phí, thể hiện nhiều hơn trách nhiệm với cộng đồng nhưng cũng phải bảo đảm an toàn, không để rơi vào tình trạng yếu kém về tài chính; đồng thời, tiếp tục cắt giảm thủ tục tiếp cận tín dụng, khuyến khích các DN vay vốn...
Ngân hàng có hơn 6 triệu tỷ đồng nhưng khó cho vay. Điều này cho thấy tiền của người dân và tổ chức kinh tế không biết đầu tư vào đâu nên quay lại gửi ngân hàng, bất chấp lãi suất huy động đang ngày càng thấp.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin để tăng khả năng tiếp cận vốn cũng là một vấn đề đang được NHNN Việt Nam tích cực chỉ đạo thực hiện.
Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, do Ban Dân nguyện chuyển đến, NHNN khẳng định, với độ trễ chính sách và cam kết giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.