Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và những thách thức trong giải quyết nợ xấu

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 15 năm, Ngân hàng T.Ư Trung Quốc (PBoC) dự kiến sẽ có lãnh đạo mới, qua đó thể hiện hoạch định của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tương lai.

  Thống đốc Ngân hàng T.Ư Trung Quốc (PBoC) Chu Tiểu Xuyên. 

Ông Chu Tiểu Xuyên - Thống đốc PBoC, người nắm giữ vị trí này từ năm 2002, được cho là sắp về hưu. Theo đó, ông Chu trở thành vị Thống đốc cầm quyền lâu nhất trong số lãnh đạo ngân hàng T.Ư của nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20). Trong thời gian ông Chu làm Thống đốc PBoC, một trong những thành tựu lớn nhất là cho phép các lực lượng thị trường đóng một vai trò lớn hơn trong việc xác định tỷ giá đồng tiền của Trung Quốc, chấm dứt sự neo buộc trực tiếp của tỷ giá đồng Nhân dân tệ vào đồng USD. Đồng thời thúc đẩy đồng Nhân dân tệ trở thành một đồng tiền được sử dụng rộng rãi hơn trên thế giới và được công nhận là một đồng tiền dự trữ.

Không giống như ngân hàng T.Ư ở các nước phương Tây, PBoC không có toàn quyền quyết định chính sách. Thay vào đó, Hội đồng Nhà nước, cơ quan điều hành cấp cao nhất của nước này sẽ đưa ra tiếng nói cuối cùng. Tuy vậy, PBoC thực sự đã trở nên độc lập hơn dưới thời Thống đốc Chu Tiểu Xuyên. Điều này cũng được xem là nhờ dấu ấn của ông Chu bởi ông vốn ủng hộ các cải cách tài chính và có lối suy nghĩ bạo dạn.

Hiện tại có 4 ứng cử viên thay thế ông Chu, bao gồm: Ông Guo Shuqing - người hiện đứng đầu Ủy ban Giám sát ngân hàng Trung Quốc, ông Jiang Chaoliang - giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc từ tháng 10 năm ngoái, ông Liu Shiyu - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc và ông Yi Gang - Phó Thống đốc PBoC. Trong số đó, ông Guo Shuqing hiện đang đứng đầu danh sách với bề dày kinh nghiệm khi từng nắm giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban Quản lý Chứng khoán, Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc. Kể từ khi đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc (CBRC), ông Guo Shuqing đã giám sát thành công một số hoạt động nhằm làm giảm rủi ro trong hệ thống tài chính Trung Quốc. 

Trụ sở chính của Ngân hàng T.Ư Trung Quốc (PBoC) tại Thượng Hải. 

Giới chuyên gia nhận định, một ứng cử viên hoàn hảo sẽ cần có sự tiếp cận và tin tưởng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đồng thời phải có khả năng đàm phán với các Bộ trưởng tài chính, các nhà lãnh đạo ngân hàng từ nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Ngân hàng T.Ư Anh và FED. Như vậy, một người thông thạo tiếng Anh và được giới tài chính quốc tế biết đến nhiều như ông Guo Shuqing dường như đang có phần lợi thế. Không những vậy, ứng viên này còn được giới tài chính quốc tế đánh giá cao trong bộ máy dưới thời ông Tập Cận Bình khi nổi tiếng là một nhà cải cách cứng rắn trong lĩnh vực điều chỉnh thị trường hối đoái.

Các nhà quan sát dự đoán, ông Guo Shuqing được tin tưởng có thể giải quyết mức nợ xấu của các ngân hàng và hệ thống tín dụng ngầm đang hoành hành. Ngoài ra, về mặt tài chính, vấn đề nợ công gia tăng với tốc độ phi mã, đặc biệt là nợ của các cấp chính quyền địa phương đang được xem là một thách thức nan giải mà người đứng đầu PBoC tương lai phải đối mặt.