Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành bán lẻ Việt cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp ngoại để giữ thị phần

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự đổ bộ của nhiều tên tuổi bán lẻ trên khắp thế giới, khiến đường đua kinh doanh ngày càng khốc liệt. Để giữ thị phần, doanh nghiệp Việt cũng đang tích cực mở rộng hệ thống bán lẻ giữ ưu thế trên sân nhà.

Doanh nghiệp ngoại dốc túi đầu tư khủng

Báo cáo của Bộ Công Thương vừa công bố cho thấy, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD và dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP. Những con số này phần nào khẳng định sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Big Thăng Long của Central Retail Corporation. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Big Thăng Long của Central Retail Corporation. Ảnh: Hoài Nam

Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan Central Retail Corporation (CRC Thái Lan) vừa công bố khoản đầu tư trị giá 50 tỷ baht (1,45 tỷ USD) vào Việt Nam giai đoạn 2023-2027. Lý giải nguyên nhân  khiến CRC đổ tiền đầu tư vào thị trường Việt Nam, Giám đốc điều hành Central Retail Việt Nam Olivier Langlet cho biết: Nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, dự báo GDP của Việt Nam trong năm 2023-2024 sẽ tăng trưởng từ 6,7-7,2%. Trong khi Thái Lan chỉ tăng 3,5%/năm. Điều này sẽ đưa Việt Nam trở thành thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Vì vậy, Central Retail đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng cửa hàng, lên con số 600 tại Việt Nam và có mặt tại 57/63 tỉnh thành với tổng diện tích sàn dự kiến ​​đạt 2 triệu m2.

Một nhà bán lẻ lớn khác đến từ Thái Lan là MM Mega Market Việt Nam gần đây khai trương kho cung ứng thứ 5 tại Sa Pa (Lào Cai). Tổng Giám đốc điều hành của MM Mega Market Việt Nam Bruno Jousselin cho biết, vài năm trở lại đây, MM Mega Market Việt Nam liên tục mở rộng các trạm trung chuyển hàng hóa, các kho cung ứng thực phẩm từ Nam ra Bắc. Chiến lược này nhằm tăng chất lượng sản phẩm, đa dạng nguồn cung ứng cho khách hàng và mở rộng cả mảng xuất khẩu hàng hóa ra khu vực.

Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Winmart. 
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Winmart. 

Không chỉ Thái Lan mới đẩy mạnh đầu tư mà nhiều kênh bán lẻ khác cũng dự kiến tăng đầu tư vào thị trường Việt Nam. Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đã có kế hoạch từ nay đến năm 2025 triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3-4 dự án tại Hà Nội. Giám đốc khu vực miền Bắc, Aeon Việt Nam Satoshi Nishikawa cho biết, mục tiêu của Aeon là mở 30 trung tâm mua sắm và siêu thị bách hóa tổng hợp vào 2030.

Kết quả cuộc khảo sát gần đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản JETRO cho thấy, 100% doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng trong năm nay. Trong số đó, 80% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng mạng lưới bán lẻ trong 1 - 2 năm tới.

Nắm bắt lợi thế để chiến thắng

Việc các nhà bán lẻ nước ngoài đổ vốn vào thị trường Việt Nam đã gây sức ép nhất định đến miếng bánh thị phần của doanh nghiệp bán lẻ nội địa. Điều này cũng thôi thúc các doanh nghiệp Việt tìm hướng đi để cạnh tranh với doanh nghiệp FDI.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Win Mart. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Win Mart. Ảnh: Hoài Nam

Theo các chuyên gia bán lẻ, mặc dù doanh nghiệp nước ngoài đang đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam nhưng doanh nghiệp Việt vẫn có cơ hội mở rộng thị phần nếu biết năm bắt thói quen, thị hiếu tâm lý mua sắm của người tiêu dùng Việt.

Trưởng Ban Nghiên cứu dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) TS. Lê Huy Khôi cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có thể không bằng được doanh nghiệp ngoại về vốn, về quy mô nhưng điểm mạnh của các đơn vị trong nước là nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng cũng như thói quen mua sắm của người dân Việt Nam. “Phần lớn người tiêu dùng Việt Nam vẫn ưa cách mua sắm nhanh, tiện lợi do đó, việc lựa chọn điểm đông dân cư, phát triển thị trường ngách là một cách lựa chọn khôn khéo đối với các doanh nghiệp bán lẻ nội” - TS. Lê Huy Khôi nhận định.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Hapro Mart Thành Công. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Hapro Mart Thành Công. Ảnh: Hoài Nam

Trong vòng 5 năm trở lại đây, bộ mặt của ngành bán lẻ Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Mở đầu cho sự liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt với nhau là “mối nhân duyên” giữa 2 tập đoàn Masan Group và Vingroup để trở thành 1 tập đoàn sản xuất và bán lẻ lớn của Việt Nam. Hệ thống cửa hàng bán lẻ Win Mart của Công ty CP Tập đoàn Masan gần như không có đối thủ trong phân khúc hệ thống cửa hàng bán lẻ tại khu dân cư.

Giám đốc Vận hành Hệ thống bán lẻ Winmart Nguyễn Trọng Tuấn thông tin, sau tái cấu trúc, WinCommerce của Tập đoàn Masan đang có hơn 3.400 điểm bán trên cả nước và hơn 2 triệu khách hàng thân thiết. Thay vì mở rộng mô hình siêu thị/đại siêu thị, thời gian tới Winmart tập trung vào mô hình cửa hàng đa tiện ích, siêu thị mini ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn, dự kiến mở hơn 1.000 cửa hàng mới để củng cố vị thế chuỗi bán lẻ.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông. Ảnh: Hoài Nam

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, doanh nghiệp Việt đã vươn lên để mở rộng thị phần bán lẻ. Cụ thể, năm 2018, Saigon Co.op đã mua lại toàn bộ hệ thống mạng lưới của Auchan trước khi họ rút lui khỏi thị trường Việt Nam.

Một số doanh nghiệp bán lẻ nội địa khác cũng dồn sức thúc đẩy, tái cơ cấu và gia tăng sự hiện diện ở phân khúc cửa hàng. Nổi bật là Nova Commerce (Tập đoàn NovaGroup) vừa khai trương siêu thị Nova Supermarket rộng 2.000m2 đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh, dự kiến đến năm 2025 sẽ phát triển chuỗi bán lẻ quy mô toàn quốc với hơn 2.000 điểm bán.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga, hệ thống phân phối Việt Nam đang chiếm ưu thế với doanh nghiệp FDI cả về sự hiện diện ở các địa điểm và tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Tổng diện tích các trung thâm thương mại của doanh nghiệp Việt lớn gấp 2 lần so với các hệ thống phân phối của doanh nghiệp nước ngoài.

Ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD và dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025.
Ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD và dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025.

“Hiện doanh nghiệp trong nước vẫn chiếm ưu thế trên “sân nhà” khi có tới 70 - 80% số điểm bán hàng trên cả nước. Trong đó có những doanh nghiệp như WinMart, Co.op Mart, Bách hóa Xanh đang sở hữu hàng nghìn điểm bán”-bà Nga nêu ví dụ.

Mặc dù hệ thống bán lẻ Việt Nam đang chiếm thị phần bán lẻ truyền thống nhưng nhiều chuyên gia vẫn khuyến cáo doanh nghiệp Việt cần cẩn trọng với nhà bán lẻ trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, bởi họ rất hiểu tâm lý người tiêu dùng Việt và sẽ có nhiều “mánh” để thu hút người tiêu dùng nội địa.  Vì thế, doanh nghiệp Việt nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm … qua đó giữ vững được thị phần, không bị đối thủ ngoại lấn sân.