Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản đánh giá, ngành chế biến nông sản tại Việt Nam có nhiều dư địa phát triển do tổng sản lượng sản xuất lớn, vùng nguyên liệu chất lượng cao, có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chiếm vị trí dẫn đầu trên thế giới như gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản… Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ rộng lớn, thu hút cả DN khối nội lẫn khối ngoại rót vốn đầu tư. Đặc biệt, hiện nay với việc hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới bắt đầu có hiệu lực cũng như sự phát triển năng động của nền kinh tế, ngành công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội để bứt phá.
Hiện, cả nước có trên 7.500 DN chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, trong đó có hơn 2.600 cơ sở chế biến nông sản, hơn 760 cơ sở chế biến thủy sản... Tuy nhiên, DN đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 8% tổng số DN trong cả nước. Trong đó, có đến 92% là DN nhỏ và siêu nhỏ.Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản |
Thời gian vừa qua, ngành công nghiệp chế biến nông sản ở nước ta đã có nhiều phát triển ấn tượng, giai đoạn từ 2013 – 2018 có tốc độ tăng trưởng giá trị khoảng 5 - 7%/năm. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8 - 10%/năm, riêng năm 2018 đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD. Sự phát triển của công nghiệp chế biến đã góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, hàng hóa lớn phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 65 – 70 tỷ USD.
Doanh nghiệp vẫn rụi rèTuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể thì ngành chế biến nông sản nước ta vẫn còn khá nhỏ bé so với tiềm năng. Theo ông Nguyễn Quốc Toản, để phát triển ngành nông nghiệp chế biến thì DN là nhân tố quyết định. Tuy nhiên hiện nay, số lượng các cơ sở, DN chế biến ít, thiếu các DN quy mô lớn; sản phẩm phần lớn là sơ chế, dây chuyền công nghệ lạc hậu. “Những nút thắt về đất đai, tín dụng hay nguồn nguyên liệu… là rào cản khiến DN chưa mạnh dạn triển khai các dự án về chế biến nông sản” – ông Toản nhận định.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, Giám đốc điều hành Công ty TNHH La Fresh Đà Lạt Hồ Cao Huy Bảo cho biết, bài toán về vùng nguyên liệu là vấn đề lớn khiến công ty không dám mở rộng sản xuất. “Để có được một sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu DN đã phải trải qua nhiều lần “vỡ” hợp đồng vì nguyên liệu từ các hộ dân chuyển về không đủ, không đạt chuẩn” – ông Bảo chia sẻ.
Cùng chung sự e dè khi đầu tư vào nông nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP VietRAP Vũ Thị Vân Phượng chia sẻ: “Công ty đã đầu tư vào nông nghiệp được 8 năm, sản phẩm xuất khẩu đi thị trường các nước, tuy nhiên việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng vẫn rất khó khăn. Đây là hạn chế khiến DN không lớn được”.
Để ngành chế biến nông sản tiếp tục phát triển nhanh, tương xứng với tiềm năng, thời gian tới, các ngành chức năng cần nghiên cứu và xác định rõ một số nhóm sản phẩm vừa là thế mạnh vừa đáp ứng nhu cầu thị trường để khuyến khích, tập trung đầu tư phát triển gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu bền vững. Đồng thời khuyến khích các DN áp dụng công nghệ mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Đi liền với đó cần tiếp tục bổ sung các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư mới và hỗ trợ DN mở rộng sản xuất, nhất là về vốn, mặt bằng, lao động, tìm kiếm thị trường...