Ngành cơ khí trước hội nhập kinh tế sâu rộng - Khó nhưng còn cơ hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hạn hẹp về vốn và công nghệ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa thỏa đáng… khiến DN cơ khí đang gặp rất nhiều thách thức.

Nếu không muốn thua trên "sân nhà” đòi hỏi các DN cần nỗ lực mạnh mẽ trong quá trình hội nhập, đồng thời cơ quan quản lý cần tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm ngành cơ khí.

Đầu tư dàn trải

Theo ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), bên cạnh nguyên nhân cơ bản là do xuất phát điểm của ngành công nghiệp cơ khí còn thấp, quy mô công nghệ lạc hậu, còn có những nguyên nhân khác, đó là nguồn nhân lực chuyên gia đầu ngành ít, sự đầu tư còn hạn chế… khiến các DN gặp khó khăn. “Vốn từ Ngân hàng Đầu tư phát triển chủ yếu được cơ cấu từ nguồn ngân sách, trong khi ngân sách còn khó khăn nên ngay cả các dự án cơ khí trọng điểm đã được phê duyệt cũng khó có thể cho vay hết được” - ông Hoài chia sẻ.
Sản xuất hàng tại công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long. 	 	Ảnh: Phạm Hùng
Sản xuất hàng tại công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng
Chỉ rõ hơn “điểm yếu” trong phát triển công nghiệp cơ khí, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung Nguyễn Tăng Cường cho rằng, Việt Nam mong muốn phát triển công nghiệp cơ khí nhưng thực tế nguồn lực vẫn còn rất hạn chế, lại đầu tư dàn trải, phân bố không đều, chủ yếu tập trung vào gia công, lắp ráp. Trong khi yêu cầu của một sản phẩm cơ khí bất kỳ đều phải trải qua 7 bước cơ bản: Thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, tạo phôi, gia công, lắp ráp, thử nghiệm và xuất xưởng.

Việc đầu tư dàn trải là nguyên nhân chính dẫn đến việc sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí, mới chỉ có vài quy hoạch ngành được xây dựng và phê duyệt. Còn rất nhiều nhóm ngành (ngành đúc, thiết bị xây dựng, công nghiệp ô tô…) vẫn chỉ là đề án. Bên cạnh đó, mặc dù trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò của hiệp hội là khá quan trọng trong việc định hướng để DN cơ khí phát triển nhưng hiện lại tương đối mờ nhạt. Điều đó cho thấy, để phát triển, vai trò của hiệp hội cũng cần rõ hơn, đảm bảo tính khách quan và mục tiêu phát triển chung của ngành.

Tỷ lệ nội địa hóa thấp
Bộ Công Thương sẽ tiếp nhận những ý kiến đóng góp của DN cơ khí để tiếp tục trao đổi, nghiên cứu, đưa ra một chiến lược phát triển ngành trong giai đoạn tới cụ thể hơn, hỗ trợ DN tốt hơn.Tuy nhiên, các DN cũng không thể trông chờ quá vào các chính sách của Nhà nước, mà bản thân cũng cần tự lực, liên kết với nhau tốt hơn nữa.

Ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương
Hiện nay, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ một số cơ chế cho ngành cơ khí phát triển, ví dụ như cơ chế nội địa hóa các nhà máy nhiệt điện được Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1791/2012/QĐ - CP. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đang giao thí điểm một số nhà máy điện. Nếu thực hiện thí điểm thành công các dự án này, trình độ năng lực các DN cơ khí trong nước sẽ được nâng lên một bước. Trên cơ sở đó, DN cơ khí trong nước sẽ tham gia tốt hơn vào các gói thầu tương tự và các gói thầu xây lắp công nghiệp ở thị trường trong và ngoài nước .

Ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương

Theo các chuyên gia kinh tế, việc đầu tư dàn trải là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ nội địa hóa của ngành cơ khí rất thấp. Báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội thảo Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 vừa diễn ra cho thấy: Năm 2014, giá trị xuất khẩu của ngành cơ khí đạt hơn 15 tỷ USD, song kim ngạch nhập khẩu đến 26,7 tỷ USD. Tỷ lệ nội địa hóa của ngành mới chỉ đạt hơn 30%, thấp hơn mục tiêu đề ra là 40 - 50%. Ngành cơ khí chế tạo chỉ mới làm chủ được việc thiết kế các nhóm thiết bị có hàm lượng công nghệ thấp như thiết bị cơ khí thủy công, một số cụm chi tiết của các nhà máy. Trong khi nhu cầu thiết bị hàm lượng công nghệ cao phục vụ lọc hóa dầu, nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản lại chưa làm chủ được… Điều này dẫn đến thực trạng đa phần các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, lọc hóa dầu… vẫn do các nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu EPC. Cùng với đó là sự phối hợp giữa các DN chế tạo nhằm khai thác hết tiềm năng, thế mạnh từng DN còn rất hạn chế, dẫn đến đầu tư trùng lắp.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến kết quả không như mong muốn của ngành cơ khí, ông Nguyễn Quốc Hoa - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế T.Ư nhìn nhận: Việc ngành cơ khí yếu kém phải kể đến trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình hoạch định kế hoạch phát triển chưa đánh giá tổng thể sự phát triển ngành. “Muốn phát triển ngành cơ khí thì cần chính sách về đất đai, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, trong khi các chính sách này hiện còn thiếu” - ông Hoa nêu rõ.

Xác định trọng điểm, đa dạng thị trường

Mặc dù còn rất nhiều hạn chế, song nếu không tự vươn lên, từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sẽ rất khó hoàn thành nhiều mục tiêu trong phát triển kinh tế. Chính vì thế, tập trung cho phát triển ngành này vẫn là yêu cầu và xu thế buộc các cơ quan quản lý phải có chiến lược cụ thể. Mới đây, Bộ Công Thương đã đề ra chiến lược phát triển ngành cơ khí với mục tiêu tổng quát đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu... Chiến lược cũng đề ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, tỷ trọng ngành cơ khí chiếm trên 21% và năm 2035 chiếm 24% trong cơ cấu ngành công nghiệp. Năm 2025, ngành cơ khí đáp ứng trên 50% nhu cầu thị trường trong nước và năm 2035 đáp ứng trên 60%.

Với mục tiêu này, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực cơ khí trọng điểm như: Công nghiệp ô tô, cơ khí nông nghiệp, sản xuất thiết bị điện và ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành cơ khí… “Những ngành này đang có dung lượng thị trường đủ lớn và cơ hội trong tương lai vẫn còn nhiều. Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển các sản phẩm trong cơ chế thị trường hiện nay” - ông Phạm Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng nêu rõ.

Tuy nhiên, để phát triển, việc tìm kiếm thị trường cho sản phẩm cơ khí là đòi hỏi cấp thiết. Để làm được việc này, bên cạnh việc mở rộng tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu, DN cơ khí cần chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm ngay tại thị trường trong nước. Giải pháp cho vấn đề này, ông Nguyễn Chỉ Sáng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) chỉ rõ, nếu DN cơ khí phát huy nội lực, liên kết lại tạo thành các liên danh để chủ động đàm phán, khi được tham gia làm tổng thầu chắc chắn sẽ cho kết quả cả về tỷ lệ nội địa hóa và giảm nhập siêu. “Thị trường cơ khí trong nước từ nay đến năm 2025 cỡ khoảng 100 tỷ USD. Nếu chúng ta chế tạo được, các sản phẩm cơ khí sẽ mang lại khoảng 30 - 40 tỷ USD. Nếu làm được, chỉ cần 3 - 5 dự án, ngành cơ khí có thể đạt ngay mục đích 40 - 50% tỷ lệ nội địa hóa” - ông Sáng phân tích.

Theo ông Trần Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh: Thời gian tới, cơ quan quản lý cần sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu theo hướng khi đấu thầu quốc tế với các sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa trên 40% thì được cộng thêm vào giá 7,5% hiện nay lên khoảng 15%. Đối với dự án dùng vốn vay vẫn phải buộc nhà thầu nước ngoài để DN cơ khí trong nước cung ứng những sản phẩm mà trong nước đã sản xuất được với tỷ lệ nội địa hóa nhất định. Đồng thời cần tính tới việc chỉ định thầu cho các nhà chế tạo thiết bị cơ khí trong nước đối với các dự án có nguồn vốn ngân sách. Có như vậy, mục tiêu “tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí giai đoạn đến năm 2020 đạt 15 - 16%/năm, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành chế biến, chế tạo trên 30% GDP sau năm 2025…” mới có cơ hội trở thành hiện thực.

Hiện nay, đã có rất nhiều cơ chế hỗ trợ ngành công nghiệp cơ khí được ban hành từ cấp T.Ư tới địa phương, cấp ngành. Việc bổ sung danh mục máy móc, thiết bị vật tư nguyên liệu trong nước đã sản xuất được cũng được Bộ Công Thương thường xuyên cập nhật. Tuy nhiên, để các sản phẩm cơ khí trong nước được sử dụng tại các công trình, dự án, bên cạnh những chế tài pháp lý đủ mạnh, điều kiện tiên quyết hơn là ở chính các DN là chủ đầu tư hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” hay không. Nếu các chủ đầu tư chú trọng sử dụng hàng Việt thì khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng với các hiệp định thương mại tự do khác có hiệu lực, mặc dù DN cơ khí gặp nhiều thách thức, song vẫn có cơ hội mở rộng, phát triển các sản phẩm, từ đó thúc đẩy ngành phát triển mạnh hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần