Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ...
Theo đó, đối với ngành đào tạo có chương trình đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định tại Điều 52 Luật Giáo dục đại học, có Nghị quyết thông qua chủ trương xác định chỉ tiêu tuyển sinh của Hội đồng trường thì được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo cam kết về chất lượng của chương trình đào tạo và nhu cầu xã hội với ngành đó, phù hợp với quy định của Luật và không vượt quá 120% chỉ tiêu tuyển sinh của ngành đó trong năm trước liền kề; phải công bố công khai trong đề án tuyển sinh và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và cơ quan có thẩm quyền.
|
Lựa chọn ngành học là quyết định khó khăn của nhiều học sinh. Ảnh: Bảo Trọng |
Liên quan chế định về giảng viên, dự thảo nêu giảng viên hữu cơ của cơ sở giáo dục công lập là viên chức được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo quy định của pháp luật về viên chức; giảng viên hữu cơ của cơ sở giáo dục tư thục là người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm hoặc hợp đồng không xác định thời hạn theo Bộ luật Lao động, không là công chức hoặc viên chức nhà nước, không đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác; do cơ sở giáo dục trả lương và chi trả các khoản khác thuộc chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định hiện hành.
Cũng theo dự thảo Thông tư, giảng viên thỉnh giảng trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải có trình độ từ thạc sĩ hoặc tương đương trở lên, trừ các ngành đào tạo ưu tiên, có ký hợp đồng thỉnh giảng theo quy định về chế độ giảng viên thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục và quy định khác liên quan, được cơ sở giáo dục trả lương, thù lao theo hợp đồng thỉnh giảng.
Dự kiến, Thông tư sẽ có hiệu lực trong năm 2020.