“Cơn khát” nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao
Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng cho ngành du lịch toàn cầu. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), chỉ trong hai năm 2020-2021, đại dịch đã làm mất đi 62 triệu/334 triệu việc làm trong ngành du lịch. Trên hầu khắp các tỉnh trong cả nước, tình trạng lao động ngành du lịch bỏ nghề để tìm công việc mới cũng diễn ra phổ biến; riêng tại Hà Nội, có khoảng 21.500 người lao động ngành du lịch phải tạm ngưng công việc, chiếm 34% tổng số lao động phục vụ trong khối cơ sở lưu trú, 11.600 lao động chấm dứt hợp đồng lao động, chiếm 18,3%.
Ngày 14/3, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản về việc mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới và Chính phủ ra Nghị quyết về miễn thị thực cho công dân nhiều nước vào ngày 15/3.
Chỉ trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, ngành Du lịch đã phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách nội địa, trong đó có khoảng 2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 22.000 tỷ đồng.
Theo ông Lưu Đức Kế- Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư và Tư vấn Du lịch Việt Nam thì, khi bắt đầu phục hồi Du lịch, khó khăn lớn nhất là việc tập hợp được nhân lực du lịch quay trở lại và phải thay đổi cho phù hợp với điều kiện bình thường mới bởi thực tế, dù lượng khách tăng nhưng chất lượng nhân lực ngành Du lịch vẫn bị thiếu hụt nghiêm trọng. Các nhà tuyển dụng tuyển gấp và một phần lấy từ người dân địa phương chưa qua đào tạo, chất lượng phục vụ chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Cơ hội việc làm cho sinh viên
Trước “cơn khát” về nguồn nhân lực Du lịch chất lượng cao, TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cho biết: Khoa Văn hoá Du lịch (trường ĐH Thủ đô Hà Nội) tuy mới bước sang năm đào tạo thứ 6 nhưng đã dần khẳng định được hướng đi và vị thế của mình. Các chương trình đào tạo luôn bám sát thực tế, thiết kế theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp (POHE). Việc đào tạo nhân lực chú trọng đến kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm thích ứng với bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi.
Cũng theo TS Nguyễn Văn Tuân, sinh viên khoa Văn hóa Du lịch của ĐH Thủ đô có 50% thời gian học tập được đi thực tế, thực hành tại các đơn vị tuyển dụng. Trường, khoa cũng có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tuyển dụng trong việc đánh giá năng lực đầu ra của sinh viên, do đó, chất lượng đào tạo của trường ngày một nâng cao. Theo khảo sát, hơn 90% sinh viên ngành Du lịch của trường có việc làm và tìm được việc làm đúng chuyên môn đào tạo sau khi ra trường.
Khoa Văn hoá Du lịch của trường ban đầu có hơn 90 sinh viên; đến nay, khoa đã có gần 1000 sinh viên với nhiều ngành học và tín hiệu đáng mừng là mùa tuyển sinh năm sau luôn cao hơn năm trước cả về điểm đầu vào cũng như số lượng sinh viên- TS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hoá Du lịch thông tin.
Với vai trò là nhà tuyển dụng, bà Bùi Thị Nga- Trưởng bộ phận Nhân sự Hành chính Flamingo Đại Lải Resort chia sẻ: Đơn vị đang có khoảng 1000 nhân sự làm việc, trong đó 200 lao động là thực tập sinh. Sinh viên ngành Du lịch hiện có rất nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với chương trình đào tạo và năng lực. Khi được tuyển dụng, các nhân sự sẽ được đơn vị đào tạo chuyên sâu thêm các kiến thức về: Hội nhập, thích nghi biến đổi, kỹ năng kinh doanh, chăm sóc khách hàng, phân tích và phát triển dịch vụ, điều hành, tổ chức sự kiện, teambuilding… Ngoài ra, các nhân sự có thể đảm nhận các vị trí như quy hoạch dự án du lịch, quảng cáo truyền thông hoặc các vị trí khác liên quan đến ngành du lịch, nhà hàng…
Trước những dấu hiệu phục hồi tích cực nêu trên, ngành Du lịch ngày càng trở nên hấp dẫn các thí sinh về cả chương trình đào tạo, môi trường học tập, cơ hội việc làm; từ đó tạo cú hích để các cơ sở đào tạo du lịch nâng cao chất lượng.
Khoa Văn hoá Du lịch (ĐH Thủ đô Hà Nội) đang đào tạo 3 mã ngành: Việt Nam học, Quản trị khách sạn, Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành. Khoa đã hoàn thành biên soạn 03 chương trình và chờ phê duyệt đào tạo ngành: Quản lí văn hóa, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Truyền thông đại chúng. Hiện khoa có 3 bộ môn và 2 trung tâm: Bộ môn Du lịch, Bộ môn Văn hóa – Nghệ thuật, Bộ môn Nghiệp vụ; Trung tâm Hán Nôm và Trung Quốc học, Trung tâm Trải nghiệm Văn hóa – Du lịch.
Khoa có các giảng viên với trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có kinh nghiệm giảng dạy có thể đáp ứng được phần lớn các học phần chuyên ngành. Ngoài ra, khoa còn có đội ngũ chuyên gia cố vấn, thỉnh giảng, cộng tác viên hùng hậu có trình độ từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan quản lý Văn hóa - Du lịch, ban quản lý di tích, bảo tàng, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, nhà hàng,… có uy tín tại Hà Nội và trên cả nước… - TS. Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hoá Du lịch (ĐH Thủ đô Hà Nội).