Những kết quả đáng trân trọng
Báo cáo kết quả năm học 2021- 2022, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn đã đề cập đến 12 nhóm kết quả nối bật của ngành GD&ĐT Hà Nội đã đạt được trong năm qua; trong đó có 5 nhóm kết quả cơ bản.
Về quy mô, tính đến hết tháng 6/2022, toàn TP có 2.835 trường, 70.199 lớp, hơn 2.206.906 học sinh; 138.090 giáo viên; 72.796 phòng học; 120 trường đại học, cao đẳng thuộc các Bộ, ngành trên địa bàn TP với gần 1 triệu sinh viên, học viên. TP có 298 đơn vị đang có hoạt động giáo dục nghề nghiệp với 192.590 học viên. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học trong nhà trường tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.
Ngành GD&ĐT Hà Nội đã tham mưu, trình Thành uỷ, HĐND, UBND TP ban hành 8 Nghị quyết quan trọng của HĐND TP tạo hành lang pháp lý, cơ chế trong công tác tổ chức các hoạt động dạy và học trên địa bàn TP.
Điểm nhấn của ngành là chất lượng giáo dục các cấp học từng bước được nâng lên. Học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 125 học sinh đạt giải tại các Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, trong đó có 7 giải Nhất, 37 giải Nhì, 33 giải Ba và 48 giải Khuyến khích; tại các kỳ thi cấp quốc tế, học sinh Hà Nội tiếp tục khẳng định tài năng với 63 huy chương, giải thưởng.
Năm học 2021-2022, Hà Nội xây mới, thành lập mới 6 trường học; cải tạo, sửa chữa 45 trường; bố trí 204 tỷ đồng để mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường trực thuộc. Các quận, huyện, thị xã đã xây mới, thành lập mới 45 trường học các cấp học; cải tạo, sửa chữa được 560 trường; bố trí 1.260 tỷ đồng để mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu, đặc biệt thiết bị cho lớp 1 và lớp 6...
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia (CQG) và trường chất lượng cao được tập trung thực hiện. Tính đến tháng 6/2022, tỷ lệ trường đạt CQG toàn TP là 64,3%; triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5 ha trở lên trên địa bàn TP.
100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học của Hà Nội đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2005; quan tâm đến công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng chuẩn quốc tế môn ngoại ngữ cho giáo viên.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 diễn ra thành công, đảm bảo đủ chỗ học tất cả học sinh; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt 99,1% với só bài thi đạt điểm 9, 10 tăng lên đáng kể so với năm trước với 1 học sinh đạt Thủ khoa toàn quốc với điểm tuyệt đối tổ hợp A00. Công tác tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp năm học 2022-2023 đảm bảo nghiêm túc, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, thích ứng với tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Trọng tâm 3 việc để nâng cao chất lượng
Khẳng định Hà Nội là địa phương có nhiều sáng kiến đi đầu, tiên phong, tiêu biểu trong công tác GD&ĐT cả nước, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị Giáo dục Hà Nội tiếp tục tập trung thực hiện 6 nội dung trong năm học tới, trong đó luôn đề cao thực hiện mục tiêu chất lượng, chủ động có kế hoạch giáo dục ứng phó với nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh; chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông; quan tâm chăm lo đội ngũ giáo viên; chú ý trong các khâu xã hội hóa và huy động nguồn lực chăm lo cho giáo dục; tổ chức kiểm định chất lượng, xây trường chuẩn quốc gia và đổi mới công tác quản trị trường học.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá cao tinh thần nỗ lực, trách nhiệm, chủ động mà ngành Giáo dục Thủ đô đã đạt được trong năm học vừa qua. Biểu dương những kết quả đáng trân trọng của toàn ngành, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề cập đến một số hạn chế, tồn tại, yêu cầu phải có giải pháp khắc phục như vấn đề tâm lý học đường, mối quan hệ gia đình- nhà trường- xã hội, cơ sở vật chất còn thiếu…
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, chất lượng giáo dục của Hà Nội còn đặt ra nhiều vấn đề và cần bình tĩnh đánh giá, nhìn nhận lại chất lượng từ giáo dục mũi nhọn đến giáo dục đại trà; qua đó thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao, cải thiện chất lượng giáo dục, bao gồm cả chất lượng giáo viên.
Phó Bí thư Thành ủy đề nghị ngành GD&ĐT Thủ đô nhận diện và đánh giá thực chất, toàn diện về ngành; xây dựng đề án, kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên, phát triển thực chất giáo dục để giáo dục Hà Nội ngang hàng với giáo dục của các Thủ đô, các nước lớn trong khu vực và thế giới; đưa giáo dục sáng tạo vào chương trình giáo dục phổ thông, chú trọng giáo dục lịch sử, văn hóa ở từng địa phương, nâng cao giáo dục truyền thống cho học sinh để tạo sự khác biệt cho giáo dục Hà Nội.
Nhắc lại Hà Nội đứng vị trí 25 cả nước tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong bày tỏ, tuy không quá nặng nề về thứ hạng nhưng giáo dục Hà Nội cần đánh giá vì sao lại có kết quả như vậy và định hướng giáo dục Thủ đô tập trung 3 việc, đó là tiên phong, đột phá về hợp tác quốc tế; mạnh dạn tham mưu đề xuất cách thức, cơ chế chính sách mới về giáo dục, có cơ chế quản lý để tạo điều kiện cho các nhà trường phát triển; quan tâm chất lượng cả giáo dục mũi nhọn và đại trà vì khoảng cách giáo dục giữa các khu vực còn rất lớn.
“Mong giáo dục Thủ đô là nền giáo dục thực sự sáng tạo, thực chất, hạn chế thấp nhất bệnh thành tích; quan tâm bồi dưỡng trách nhiệm, ý thức chính trị cho học sinh THPT, nâng cao số lượng học sinh tiêu biểu được đứng trong hàng ngũ của Đảng… để đưa Giáo dục Hà Nội bền vững, thực sự tiêu biểu cho Giáo dục cả nước”- Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và các ý kiến tham luận, trao đổi tại hội nghị, thay mặt ngành GD&ĐT Hà Nội, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thể Cương bày tỏ lời cảm ơn đến toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, phụ huynh, thầy cô giáo và các em học sinh đã cùng vượt qua một năm học đầy khó khăn; đồng thời kêu gọi toàn ngành phát huy kết quả đã đạt được; tiếp tục chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm học 2022- 2023 để đưa Giáo dục Thủ đô ngày càng phát triển.