Theo dự báo, nhu cầu giấy của Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng từ 8 - 10%/năm, đóng góp khoảng 1,5% giá trị GDP, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD |
Sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 16/10 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp tập trung làm rõ vai trò trọng yếu của ngành giấy đối với nền kinh tế, lợi ích và tiềm năng phát triển đường dài của phương thức sản xuất dùng giấy tái chế; đồng thời, đề xuất các giải pháp về chính sách quản lý nguồn nguyên liệu giấy tái chế theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Tuy nhiên, mặc dù có thể sản xuất, song hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu gần 2 triệu tấn giấy cho nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và cho sản xuất. Thời gian tới, nhu cầu giấy của Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng từ 8 - 10%/năm, đóng góp khoảng 1,5% giá trị GDP, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và tiềm năng phát triển sẽ là rất lớn. Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nhẹ Bộ Công Thương Phan Chí Dũng, 70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu; trong đó chỉ gần 40% được thu gom trong nước, còn lại phải nhập khẩu. Đối với các doanh nghiệp tái chế giấy chuyên nghiệp, có năng lực tái chế tốt như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, họ rất cần nguồn nguyên liệu giấy và rõ ràng nhập khẩu là một giải pháp bắt buộc trong bối cảnh trong nước không đủ nguyên liệu sản xuất. Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng tranh luận về Dự thảo sửa đổi Quyết định 73/2014/QĐ-TTg quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, đa phần ý kiến đều ghi nhận việc siết chặt quản lý phế liệu này là cần thiết vì đã có một số doanh nghiệp lợi dụng những kẽ hở trong quản lý nhập khẩu phế liệu cho sản xuất để nhập “rác” vào Việt Nam, gây ô nhiễm môi trường. Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đầu ngành giấy kiến nghị về việc cần sớm xây dựng quy phạm pháp luật hướng tới mục tiêu tạo điều kiện cho ngành giấy phát triển, nhưng đồng thời vẫn quản lý hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tính toán cân đối với sự phát triển kinh tế trong thời điểm hiện tại của Việt Nam để đưa ra định hướng chính sách phù hợp, đặc biệt là cân nhắc lộ trình áp dụng chính sách. Về phía các doanh nghiệp giấy, môi trường vẫn luôn cần là ưu tiên hàng đầu trong phương thức sản xuất và xả thải, giữ vững tiêu chí sẵn sàng phối hợp cùng Chính phủ, đóng góp kiến thức khoa học kỹ thuật để tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo xử lý môi trường và góp phần phát triển kinh tế.