Theo báo cáo, trong năm 2024, phần lớn các doanh nghiệp (46,12%) tham gia khảo sát đạt mức độ trưởng thành ở cấp độ 3 – Cấp Thiết kế. Ở cấp độ này, các doanh nghiệp đã xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi để làm nền tảng, bắt đầu thiết kế những kế hoạch hành động biến những nguyên tắc và giá trị đó thành hiện thực.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa kế hoạch và việc triển khai thực tế còn lớn. Hơn 50% doanh nghiệp chưa xây dựng bộ chuẩn hành vi cụ thể để hướng dẫn cho người lao động. Trong khi đó, chỉ 11,16% doanh nghiệp thực hiện được những chuẩn hành vi trong công việc hàng ngày.
Một vấn đề đáng lo ngại khác là việc lồng ghép văn hóa doanh nghiệp vào quy trình nhân sự còn nhiều hạn chế. Báo cáo cho thấy, có đến 67% doanh nghiệp chưa kiểm tra sự phù hợp của ứng viên với văn hóa doanh nghiệp khi tuyển dụng, trong khi 76,21% chỉ đánh giá nhân viên dựa trên kết quả công việc, không xem xét sự thể hiện giá trị cốt lõi. Thêm vào đó, hành vi khen thưởng cũng chỉ tập trung vào các sự kiện phong trào thay vì ghi nhận những hành vi phản ánh giá trị trong công việc hàng ngày.
Việc thiếu nhân lực và phương pháp triển khai hiệu quả tiếp tục là những rào cản lớn, với tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn này tăng lần lượt 9,83% và 5,66% so với năm 2023. Dẫu vậy, những khó khăn trong việc đo lường văn hóa doanh nghiệp, vốn là thách thức hàng đầu năm 2023, đã giảm đáng kể, với mức giảm 10,03%.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng lệ doanh nghiệp ở cấp độ thấp nhất (cấp 1 và 2) đã giảm 7,03%, trong khi tỷ lệ ở cấp 3 tăng đến 12,79%. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu nhận thức tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa như một yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển.
Ngành Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm tiếp tục dẫn đầu về mức độ trưởng thành trong thực thi văn hóa doanh nghiệp, với điểm trung bình 51,65, tương đương cấp độ 4 (cấp Quản lý). Ngành này còn tăng 2,27 điểm so với 2023, tạo cạnh tranh rõ rệt với các ngành Du lịch – Khách sạn và Dịch vụ. Trong khi đó, ngân sách đầu tư cho văn hóa doanh nghiệp đang gia tăng đáng kể. Có đến 44,94% doanh nghiệp cho biết họ sẽ tăng ngân sách trong năm 2025.
Trong xu thế chuyển đổi số, văn hóa số đang trở thành điểm nhấn quan trọng. Tuy nhiên, đến nay, mức độ thể hiện các đặc trưng văn hóa số như khách hàng là trung tâm, kịnh hướng dữ liệu, hợp tác, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững chỉ dao động từ 3,21 – 3,70 điểm trên thang 5.
Dựa trên các kết quả nghiên cứu, khảo sát Blue C đã đưa ra 05 xu hướng Văn hóa doanh nghiệp nổi bật trong 2025. Các xu hướng này bao gồm: Hỗ trợ người lao động thích nghi với sự thay đổi trong thời kỳ chuyển đổi; Văn hóa trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số và ngày càng được quan tâm; Tăng cường đào tạo sử dụng AI trong công việc; Tái thiết văn hóa, duy trì động lực làm việc trong và sau khi tinh gọn; Tập trung vào sự quan tâm tại nơi làm việc.