Ngành nhôm với thách thức phải chuyển đổi

Thành Luân - Hồng Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu thị trường giảm mạnh, công suất hoạt động thu hẹp, lợi nhuận giảm..., là những khó khăn mà các DN ngành nhôm nội địa đang phải đối mặt.

Nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao năng lực cho ngành nhôm cần xem xét quy hoạch tổng thể ngành, sản xuất nhôm nguyên chất và tăng cường tái chế nhôm, tiếp cận nguyên liệu “xanh”

Doanh nghiệp hoạt động chỉ 30% công suất

Chủ tịch Hội Nhôm, thanh định hình Việt Nam Ngô Minh Kế cho biết, ngành nhôm đang đối mặt nhiều thách thức, vô cùng khó khăn. Nhu cầu thị trường giảm mạnh, các nhà máy đang hoạt động ở mức xấp xỉ 30% công suất, dòng tiền cạn kiệt. Các DN ngành nhôm hiện đang cố duy trì sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, giữ lại cán bộ kỹ thuật, tăng cường tìm kiếm đơn hàng thị trường trong nước và nước ngoài.

Lãnh đạo Hiệp hội cũng chia sẻ, những năm 2016 - 2018, nhôm Trung Quốc dư thừa sản lượng, tràn vào bán phá giá khiến nhiều DN nhôm nội địa lâm vào cảnh ngừng hoạt động, công nhân mất việc.

Năm 2019, khi Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá đối với nhôm định hình có xuất xứ từ Trung Quốc trong giai đoạn năm 2019 - 2020, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chống buôn lậu và gian lận thương mại, đã ngăn chặn được nhôm Trung Quốc bán phá giá vào Việt Nam.

Qua đó đã hỗ trợ cho các DN ngành nhôm Việt Nam đang đứng trước bờ vực phá sản không bị mất đi thị trường trong nước. Tuy nhiên, quyết định này sẽ hết hiệu lực từ tháng 10/2024, thời hạn nộp hồ sơ rà soát cuối kỳ đến tháng 9/2023.

Tiếp đến là xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang ngành nhôm Việt Nam những năm gần đây rất rõ nét, chủ yếu là dòng vốn đến từ các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc (điển hình là vụ việc Công ty Xingfa Quảng Đông) đang chuyển hướng đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Sau thời gian bị áp thuế, nhiều DN sản xuất Trung Quốc đã tìm cách chuyển hướng đầu tư trực tiếp sang Việt Nam. Việc chuyển cứ điểm sản xuất có thể giúp nhôm Trung Quốc tận dụng được những ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại mà nhôm Việt Nam đang được hưởng, nhằm tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ, EU, Anh…

Điều này một lần nữa được dự báo sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu của các nhà máy nhôm Việt Nam. Các đơn vị lại thêm lần nữa đối mặt với nguy cơ mất đi thị trường trong nước như những năm 2018 - 2019 trước khi áp thuế chống bán phá giá; đồng thời đối mặt với rủi ro bị điều tra, áp thuế lẩn tránh phòng vệ thương mại khi nhôm Việt xuất khẩu sang EU, Mỹ…

Tự chủ nguồn lực thay đổi

Theo báo cáo, trong quý I/2023, Công ty CP Tập đoàn nhôm Sông Hồng Shalumi đã sụt giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, do chi phí lãi vay lại cao nên lợi nhuận của DN đã giảm đi 10% so cùng kỳ năm 2022.

Doanh nghiệp ngành nhôm nội địa đang gặp khó khăn khi nhu cầu thị trường giảm mạnh. Ảnh: Việt Linh
Doanh nghiệp ngành nhôm nội địa đang gặp khó khăn khi nhu cầu thị trường giảm mạnh. Ảnh: Việt Linh

Cũng theo đại diện DN này chia sẻ, năm 2023, đứng trước khó khăn trong bối cảnh kinh tế thời kỳ hội nhập sâu rộng và toàn cầu hóa thông qua các hiệp định thương mại, hiệp ước quốc tế, DN đã chuẩn bị những nguồn lực tự chủ thay đổi về kênh phân phối, mạng lưới thị trường khách hàng, gia tăng dịch vụ.

"Gia tăng kết nối kinh doanh giữa nhà sản xuất - nhà thi công - nhà phân phối - khách hàng để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cùng với đó hợp tác liên kết ngành để có thêm nhu cầu trong hệ sinh thái ngành nhôm là những mục tiêu quan trọng trong năm 2023 của chúng tôi" - vị đại diện này cho hay.

Nhiều DN khác trong ngành nhôm cũng cho hay, rủi ro đặc thù trong hoạt động kinh doanh đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam, đi cùng với sự cạnh tranh khốc liệt về thị trường. Các DN trong ngành cũng phải xử lý nhiều vấn đề từ nguồn nhập khẩu, đặc biệt là nguồn nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, các vấn đề về tỷ giá đối với xuất nhập khẩu cũng ảnh hưởng đến chi phí và lợi nhuận của công ty.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam Vũ Văn Phụ nêu ý kiến, trong bối cảnh nền kinh tế đang suy thoái hiện nay, các DN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động và ngành nhôm cũng không ngoại lệ.

Để nâng cao năng lực cho ngành nhôm, trước hết cần xem xét quy hoạch tổng thể ngành nhôm, sản xuất nhôm nguyên chất và tăng cường tái chế nhôm, tiếp cận nguyên liệu “xanh”.

"Một số DN trong nước đang bán phá giá gây nhiễu loạn thị trường, cần có biện pháp lành mạnh thị trường, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nhôm Việt Nam để tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Hiệp hội tiếp tục kiến nghị giảm thuế xuất khẩu nhôm dạng thanh, que và hình, đây là nhóm sản phẩm thế mạnh của nhôm Việt Nam hiện nay" - ông Vũ Văn Phụ nhìn nhận.

 

Số nhà máy sản xuất nhôm hiện nay khoảng 100 nhà máy, chủ yếu là sản xuất nhôm định hình. Năng lực sản xuất nhôm tăng mạnh, khoảng trên 1,2 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.