Phát biểu chỉ đạo tại “Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành nội vụ” hôm nay, 12/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Ngành nội vụ có vai trò rất quan trọng trong việc tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; góp phần xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC, NLĐ) toàn ngành nội vụ đã đạt được trong năm qua, Thủ tướng nhấn mạnh: Năm 2021, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ngành nội vụ và Bộ Nội vụ tiếp tục có nhiều đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn; tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng hoàn thiện thể chế, trong đó sửa đổi, bổ sung, ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản QPPL; tích cực tham mưu sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế CC, VC; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; quản lý và sử dụng CC, VC có nhiều chuyển biến tích cực; công tác cải cách hành chính (CCHC) quản lý nhà nước về thi đua-khen thưởng, tín ngưỡng, tôn giáo... có nhiều đổi mới, hiệu quả hơn.
Dù vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế mà ngành cần cố gắng khắc phục, như: Công tác xây dựng thể chế còn chậm so với thực tiễn; việc sắp xếp bộ máy bên trong các bộ, ngành chưa đạt mục tiêu đề ra; một số CC, CV chưa ngang tầm nhiệm vụ; công tác quản lý nhà nước chưa đúng tầm, còn sa đà vào xử lý vụ việc...
Từ đó, trong năm 2022 và thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ, ngành nội vụ rất quan trọng và nhạy cảm, nhất là về công tác cán bộ, liên quan con người. Vì vậy, ngành cần xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, cách làm để thực hiện các nhiệm vụ, phát huy tối đa dân chủ, trí tuệ tập thể. Trước mắt, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, ngành cần tiếp tục tham gia kiểm soát dịch Covid-19; phục hồi, phát triển KT-XH; đảm bảo an sinh xã hội.
“Ngành nội vụ và Bộ Nội vụ cần tiếp tục đóng góp tích cực vào xây dựng, hoàn thiện thể chế để tháo gỡ rào cản, khơi thông cho sự phát triển, xuất phát từ thực tiễn, lấy lợi ích của quốc gia, dân tộc lên hàng đầu, trong đó tập trung cho xây dựng thể chế quản lý Nhà nước. Đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển” - Thủ tướng nêu rõ.
Song song đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành nội vụ và các ngành, các địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý CC, VC, dựa trên tiêu chuẩn, vị trí việc làm ; có chính sách tuyển dụng, thu hút nhân tài; xây dựng bộ máy bên trong của các bộ, ngành thực sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục CCHC, làm sao cho người dân, DN không phải phiền hà và huy động được sức mạnh trong dân vào phát triển.
Thủ tướng cũng chỉ rõ, ngành nội vụ phải đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; đặc biệt thực hiện nghiêm các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng trong công tác tổ chức, cán bộ, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Công tác cán bộ phải giữ vững nguyên tắc, dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch.
"Tinh thần chung là càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải đoàn kết, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, quyết định theo đa số. Đồng thời, phải tăng cường xây dựng, chính đốn Đảng, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa;” kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong đội ngũ CBCCVC"- Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ.