Trong một phát biểu vào cuối chiến dịch tranh cử tháng 9, ông Trump nhấn mạnh sẽ dồn trọng tâm cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất ô tô tại Mỹ và xem thuế quan là công cụ kinh tế hiệu quả để kiểm soát luông xe nhập khẩu từ nước ngoài. Thành viên Đảng Cộng hòa cũng đã công bố kế hoạch áp thuế quan mới đối với Trung Quốc, Canada và Mexico, bao gồm mức thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc và 25% đối với các sản phẩm đến từ Canada và Mexico.
Mặc dù châu Âu chưa được nêu cụ thể trong các tuyên bố áp thuế ban đầu, các nhà hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu (EU) lo ngại dù sớm hay muộn, sự chú ý của ông Trump sẽ chuyển sang lĩnh vực ô tô của khối. Đối với Đức, một trong những nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, viễn cảnh Mỹ áp thuế xuất khẩu đang đặt ra nhiều thách thức.
Ngành ô tô Đức trước nguy cơ lớn
Đức hiện là nước xuất khẩu ô tô chở khách lớn nhất châu Âu sang Mỹ, với tổng giá trị xuất khẩu lên tới 23 tỷ euro (24,2 tỷ USD) trong năm ngoái. Các tập đoàn lớn như Volkswagen, BMW và Mercedes-Benz đều đang phải đối mặt với suy giảm lợi nhuận do nhu cầu ảm đạm tại Trung Quốc và sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, nguy cơ bị áp thuế bổ sung tại thị trường Mỹ sẽ là một đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp ô tô vốn là trụ cột của nền kinh tế Đức.
Ông Rico Luman, chuyên gia kinh tế cấp cao tại ING, nhận định các biện pháp thuế quan của ông Trump sẽ tác động trực tiếp đến các nhà sản xuất ô tô mà cũng như toàn bộ chuỗi cung ứng liên quan.
“Ngành công nghiệp ô tô gắn chặt với thép và hóa chất. Do đó, bất kỳ cú sốc nào đối với ngành này cũng kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng cho nền kinh tế Đức,” ông nhấn mạnh.
Mặc dù các nhà sản xuất ô tô lớn như Volkswagen, BMW và Mercedes-Benz đã thực hiện các chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tăng cường sản xuất tại Bắc Mỹ, nhưng việc áp thuế có thể gây ảnh hưởng đến nhiều kế hoạch. Volkswagen cho biết hơn 90% xe hơi họ bán tại Mỹ hiện được sản xuất tại Bắc Mỹ và đáp ứng các tiêu chí theo Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Canada-Mexico (USMCA). Tuy nhiên, nếu ông Trump thực hiện cam kết hủy bỏ USMCA, tình hình sẽ thay đổi đáng kể.
Tương tự, Mercedes-Benz, với 11.000 công nhân tại Mỹ và mạng lưới sản xuất rộng khắp 12 địa điểm, cũng bày tỏ mong muốn thảo luận các chính sách với chính quyền mới. BMW, công ty sở hữu nhà máy lớn nhất tại Spartanburg, Nam Carolina, cũng lo ngại về những rủi ro tiềm tàng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng các biện pháp của ông Trump có thể là cơ hội để châu Âu đẩy mạnh chiến lược phát triển riêng. Bà Julia Poliscanova, Giám đốc cấp cao của nhóm vận động Transport & Environment, nhấn mạnh châu Âu nên tiếp tục phát triển theo hướng riêng thông qua việc thúc đẩy Thỏa thuận xanh châu Âu và chương trình điện khí hóa phương tiện giao thông. Theo bà, việc ông Trump áp thuế có thể khiến nước Mỹ tụt hậu trong cuộc đua công nghệ sạch và xe điện, trong khi châu Âu có thể tận dụng điều này để tăng tốc.
Tình hình chung của ngành ô tô toàn cầu
Trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang chịu áp lực từ nhiều phía – từ nhu cầu sụt giảm, chi phí tăng cao đến xu hướng chuyển dịch sang xe điện – lời cam kết của ông Trump đã khiến mối lo ngại ngày càng gia tăng. Ông Michael Robinet, Giám đốc bộ phận tư vấn ô tô tại S&P Global Mobility, nhận định mặc dù tuyên bố của ông Trump trong cuộc bầu cử đang gây áp lực lên hàng nhập khẩu.
Các nhà phân tích cũng cho rằng, nếu kịch bản xấu nhất xảy ra và các mức thuế cao được áp dụng, các nhà sản xuất ô tô Đức có thể buộc phải xem xét lại chiến lược đầu tư và sản xuất tại Mỹ. Điều này có thể kéo theo làn sóng chuyển đổi hoặc tái cấu trúc chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến hàng ngàn công nhân tại Mỹ và châu Âu