Ngành phân bón thiệt thòi

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng, dự kiến trình Quốc hội xem xét tới đây, phân bón được đưa vào diện chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5%, thay vì không chịu thuế như quy định hiện hành (Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014).

Việc phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo Luật số 71 đã khiến ngành phân bón thiệt đơn, thiệt kép 10 năm qua. Bằng chứng thực tiễn cả về số thu, sản lượng, giá bán, đầu tư… đã cho thấy điều đó.

Đơn cử số liệu từ Vinachem, DN này là một trong 2 đơn vị sản xuất DAP tại Việt Nam. Toàn bộ chi phí đầu vào phải tính vào giá thành sản xuất, hàng năm tính vào khoảng 7 - 8% chi phí sản xuất tăng thêm, ước tính mỗi năm mất khoảng 100 tỷ đồng, 10 năm qua lũy kế lên tới con số hàng nghìn tỷ đồng.

Các chuyên gia cho rằng, hiểu một cách đơn giản, mặt hàng phân bón thuộc đối tượng “không chịu thuế GTGT” theo Luật 71. Vì vậy, các DN phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào là hàng hóa, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón. Chính vì không được khấu trừ nên các hoạt động sản xuất phân bón phải tính vào chi phí sản phẩm, tức là tính vào giá thành sản phẩm, tác động đẩy giá phân bón lên.

Vậy ai là người chịu, chính là người nông dân, người sử dụng vật tư đó phải chịu. Trong khi vật tư đó chiếm khoảng 40 - 60% giá thành của các sản phẩm nông nghiệp, mà nó là sản phẩm thiết yếu đầu vào không thể thiếu được. Như vậy, nó tác động trực tiếp tới giá thành sản phẩm mà người nông dân làm ra. Cuối cùng người nông dân phải gánh chịu. Nếu được khấu trừ, sản phẩm được khấu trừ thì giá thành giảm xuống. Cho nên, giá thành phân bón tăng, người nông dân phải chịu, đó là thực tế.

Một tác động nữa là giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng thì bất lợi trong cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu. Bức tranh như thế này: mỗi năm ngành nông nghiệp tiêu thụ 11 - 12 triệu tấn phân bón, trong đó các sản phẩm sản xuất trong nước khoảng 8 triệu tấn, còn lại nhập khẩu. Buộc phải nhập khẩu vì có những sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được. Nhập khẩu thì cạnh tranh bất bình đẳng vì bên nước họ chịu thuế GTGT nên được khấu trừ và giá nhập vào thấp hơn so với giá sản xuất trong nước. Cho nên thiệt đơn thiệt kép.

Chính những bất cập này 10 năm rồi mà ngành nông nghiệp, người nông dân và DN sản xuất phải gánh chịu.

Từ thực tế trên, theo các chuyên gia và DN ngành phân bón, chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% là cần thiết. Thay đổi này sẽ góp phần tăng ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thu thuế khác như thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân của người lao động đang làm việc trong ngành phân bón…

Đối với DN phân bón, sửa đổi theo hướng đưa phân bón vào danh mục hàng chịu thuế sẽ có nhiều tác động tích cực.

Đó là giảm được chi phí thuế đầu vào, dẫn tới giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ngành sản xuất phân bón trong nước hiện nay cũng đã tương đối đầy đủ các mặt hàng phục vụ cho ngành nông nghiệp.

Từ cơ hội này, ngành sản xuất phân bón trong nước sẽ từng bước chiếm lĩnh thị trường, gia tăng thị phần. DN sẽ chủ động điều chỉnh được giá thành, tăng hậu mãi.

Ngoài ra, các DN cũng sẽ có nguồn lực, động lực để gia tăng đầu tư, tái đầu tư, nâng cấp, sửa chữa máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất. Đây là tiền đề rất quan trọng.

“Chúng ta đã qua rất nhiều năm không đổi mới được công nghệ, do vướng các thủ tục về luật thuế. Cơ hội này chúng ta có thêm động lực để đổi mới công nghệ của ngành sản xuất trong nước, nếu ngành sản xuất phân bón trong nước ổn định, giữ được thị trường. Và khi tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm cũng sẽ tạo tiền đề, điều kiện cho người nông dân được sử dụng phân bón chất lượng, yên tâm hơn” - đại diện một “ông lớn” phân bón cho hay.