Ông Jasper Clausen, Giám đốc toàn cầu về nuôi trồng thủy sản của De Heus, cho rằng châu Âu giảm nhập khẩu trong thời gian qua có nguyên nhân từ việc tồn kho tôm còn nhiều.
Trong khi đó, tuy sản lượng giảm mạnh ở một số nước, trong đó có Việt Nam, nhưng sản lượng tôm toàn cầu năm nay vẫn tăng. Theo ông Jasper Clausen, ước tính tổng sản lương tôm thế giới năm 2023 đạt khoảng 6,3 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2022.
Trước tình hình đó, TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimex VN, nhận định, ngành tôm Việt Nam sẽ còn gặp khó khăn ít nhất đến năm 2024. Ngoài vấn đề thị trường, trong năm nay, nghề nuôi tôm ở Việt Nam phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh lây lan mạnh khiến tỷ lệ chết nhiều, cộng thêm chi phí thức ăn tăng cao kéo theo giá thành nuôi tôm tăng. Cùng lúc đó, giá tôm nguyên liệu tại ao liên tục giảm khiến người nuôi không an tâm trong việc tái thả giống.
TS Lực nhận định, diện tích tái thả giống ở mức thấp, chỉ khoảng 50%. Điều này sẽ khiến cho sản lượng tôm Việt Nam trong thời gian tới giảm mạnh, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung cho chế biến kể từ quý 3/2023.
Xuất khẩu tôm giảm mạnh cũng gây áp lực lớn lên ngành tôm Việt Nam. Theo số liệu của VASEP, kim ngạch xuất khẩu tôm trong 7 tháng năm 2023 chỉ đạt 1,9 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. So với các cường quốc xuất khẩu tôm trên thế giới, mức suy giảm về xuất khẩu của Việt Nam nặng nề nhất.
Nhận định về thị trường những tháng cuối năm, TS Hồ Quốc Lực cho biết, hiện tại đã qua cao điểm về cung ứng tôm nguyên liệu trên thế giới. Từ nay đến cuối năm, tôm nguyên liệu của các cường quốc nuôi tôm giảm dần. Nguồn cung giảm sẽ khiến cho những nhà nhập khẩu ít lựa chọn hơn. Mặt khác, giá tôm hiện tại rất thấp cũng là cơ hội để các nhà nhập khẩu mua tích trữ.
Tuy nhiên, theo TS Hồ Quốc Lực, vẫn còn nhiều yếu tố bất định có thể ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu tôm 6 tháng cuối năm. Chẳng hạn tốc độ phục hồi nền kinh tế thế giới sẽ ra sao, lạm phát có còn tăng lên nữa hay không? Nửa cuối năm nay, dù nguồn cung tôm nguyên liệu giảm trên toàn cầu nhưng chưa chắc nguồn hàng từ các nhà máy cung cấp cho các nhà nhập khẩu sẽ giảm, bởi hàng tồn từ các nhà máy chế biến còn nhiều. Minh chứng rõ nhất là Ấn Độ dù sản lượng nuôi 6 tháng đầu năm giảm 15% nhưng lượng xuất khẩu chỉ giảm 1%.
TS Lực chia sẻ: “Hiện vẫn chưa có nhận định nào về triển vọng giá tôm từ nay đến cuối năm. Do đó, dù kỳ vọng 6 tháng cuối năm nhu cầu tăng lên nhờ các dịp lễ hội, nhưng điều này vẫn khá mong manh do còn nhiều yếu tố bất định. Vì vậy, chúng ta nên coi 2024 là năm bản lề của sự phục hồi khi mà khó khăn của ngành tôm sẽ còn có thể kéo dài đến giữa năm sau”.
Dù vậy, những lễ hội cuối năm vẫn là cơ hội cho tôm Việt Nam, bởi lễ hội sẽ giúp cho tiêu thụ các sản phẩm tôm chế biến sâu dễ dàng hơn. Mà một điểm mạnh của ngành tôm Việt Nam là năng lực chế biến sâu. Ngoài ra, vấn đề El Nino sẽ tác động đến tình hình nuôi tôm của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
TS Hồ Quốc Lực cho rằng ngành tôm Việt Nam cần nỗ lực phát huy thế mạnh là chế biến sâu. Việc nâng cao tỷ trọng chế biến sâu có thể đáp ứng được kỳ vọng thu được lợi nhuận. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tìm ra các mặt hàng mới để đi trước, tăng sức cạnh tranh.