Ngành xi măng: Lợi ích kép từ sản xuất xanh

Thành Luân - Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Việt Nam đã cam kết "đạt mức phát thải ròng bằng 0 năm 2050" tại Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu - COP26.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành xi măng cũng như các loại vật liệu xây dựng (VLXD) khác phải có giải pháp hiện đại, tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Hệ thống phát điện nhiệt dư của Công ty CP sản xuất xi măng Xuân Thành. Ảnh: Ximangxuanthanh
Hệ thống phát điện nhiệt dư của Công ty CP sản xuất xi măng Xuân Thành. Ảnh: Ximangxuanthanh

Tận dụng nhiệt khí thải

Nhằm phát triển ngành VLXD hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, từng bước tăng xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội đồng thời sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên, nhiên liệu, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.

Theo đó, đến hết năm 2025, 100% dây chuyền xi măng có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải lắp đặt, vận hành hệ thống phát điện, tận dụng nhiệt khí thải để phát điện; đến năm 2030 sử dụng 30% tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất và làm phụ gia.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) thông tin, hết năm 2021, cả nước có 25 dây chuyền xi măng hoàn thành lắp đặt hệ thống tận dụng nhiệt thừa phát điện và 11 dây chuyền đang đầu tư. Như vậy, còn 23 dây chuyền cần phải lắp đặt hệ thống tận dụng nhiệt thừa phát điện theo quy định, thời gian chỉ còn gần 3 năm để hoàn thành, là thách thức không nhỏ.

Các dự án tận dụng nhiệt thừa phát điện đã vận hành phải kể đến như: Nhà máy Xi măng Chinfon (dây chuyền 1 và 2 vận hành từ năm 2014), Nhà máy Xi măng Insee - Kiên Giang (năm 2012), Nhà máy Xi măng Vissai Hà Nam (dây chuyền 3 và 4 vận hành năm 2016, 2017), Nhà máy Xi măng Vissai Ninh Bình (dây chuyền 1 và 2 vận hành từ năm 2018)... 11 dây chuyền đang đầu tư xây dựng hệ thống phát điện nhiệt dư, gồm: Xuân Thành 3; Nghi Sơn 1, 2; Tân Thắng, Thạch Mỹ... dự kiến vận hành trong năm 2023 - 2025.

Đại diện lãnh đạo VNCA cho biết, những dự án xi măng đầu tư gần đây đều lắp đặt hệ thống tận dụng nhiệt thừa trong quá trình xây dựng nhà máy. Riêng các dự án chưa đầu tư, sẽ phải hoàn thiện lắp đặt hệ thống này trong gần 3 năm tới. Việc tận dụng nhiệt thừa giúp DN tiết kiệm chi phí điện, giảm phát thải ra môi trường.

Trung tâm điều hành sản xuất nhà máy Xi măng Lam Thạch. Ảnh: Công ty CP Xi măng Quảng Ninh.
Trung tâm điều hành sản xuất nhà máy Xi măng Lam Thạch. Ảnh: Công ty CP Xi măng Quảng Ninh.

Hướng tới tiết kiệm năng lượng

VNCA nhận định, trong bối cảnh thị trường xi măng dư cung cao, cạnh tranh gay gắt, các dự án tận dụng nhiệt thừa phát điện được đầu tư sẽ giúp DN lợi cả về kinh tế và môi trường, giảm phát thải carbon. Bên cạnh đó, các dự án yêu cầu sử dụng công nghệ tiên tiến, giảm tiêu hao điện năng, bảo vệ môi trường là giải pháp thiết thực, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế gắn với sản xuất xanh.

Theo tính toán của các chuyên gia, áp dụng công nghệ, tận dụng nhiệt khí thải của ngành xi măng có thể tiết kiệm năng lượng tiêu thụ rất lớn cho các nhà máy. Đặc biệt nếu đầu tư công nghệ đồng bộ, tiêu tốn ít điện năng, hiệu quả có thể lên tới 50%.

Nhận định về vấn đề này, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ cho biết, các DN trong khu công nghiệp đã có nhận thức về lợi ích của việc áp dụng những giải pháp và công nghệ tiết kiệm năng lượng mang lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh DN đang phải xoay xở với khó khăn trong 2 năm do ảnh hưởng Covid-19, nguồn cung nguyên, vật liệu tăng cao, rõ ràng sự quan tâm về sử dụng năng lượng tiết kiệm có thể bị giảm đi.

"Chúng tôi hy vọng các DN sẽ quan tâm đẩy mạnh hơn nữa những dự án có giải pháp tiết kiệm năng lượng. Một trong những khó khăn của DN mà chúng tôi nhận thấy là tiếp cận nguồn tài chính, đặc biệt với những nguồn vốn ưu đãi cho tiết kiệm năng lượng" - ông Trịnh Quốc Vũ bày tỏ.

Đồng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn chia sẻ, việc thu hút nguồn vốn cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả là việc không dễ dàng. Bởi, đối với những dự án thí điểm có thể triển khai một cách nhanh chóng. Nhưng khi đưa lên thành một quy mô lớn bắt buộc phải có quỹ để dành riêng cho các hoạt động này và hiện nay hành lang cho các quỹ đặc thù chưa rõ ràng.

"Sử dụng năng lượng hiệu quả cần phải có những đột phá trong vấn đề điều chỉnh lại hành lang pháp lý cũng như cơ chế chính sách và bắt buộc phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành cũng những địa phương liên quan" - ông Hà Đăng Sơn cho biết.

 

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng số điện năng tiêu thụ mỗi năm của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm vào khoảng 70 tỷ kWh, chiếm hơn 32% tổng mức tiêu thụ điện toàn quốc. Nếu các cơ sở này chỉ cần tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025), hàng năm, cả nước sẽ tiết kiệm khoảng 1,4 tỷ kWh điện - tương đương tiết kiệm chi phí tiền điện khoảng 2.700 tỷ đồng.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần