Ngày 16/3 sẽ báo cáo tình trạng lát đá vỉa hè trên địa bàn Hà Nội

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đến ngày 16/3, UBND các quận, huyện và đơn vị thực hiện lát đá vỉa hè phải báo cáo tình trạng nguyên nhân hư hỏng, hiệu quả công tác đầu tư lát đá vỉa hè trên địa bàn TP Hà Nội về Sở Xây dựng để đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản yêu cầu các sở, ngành chuyên môn và UBND quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, quản lý việc sử dụng hè phố, lòng đường. Trong đó, tập trung xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể việc rà soát điều kiện chuẩn bị cho công tác sắp xếp, lập lại trật tự hè phố, lòng đường và kiểm tra xử lý vi phạm, hoàn thành trước ngày 20/3.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm, thường xuyên duy trì lập lại trật tự hè phố, lòng đường, thực hiện từ ngày 21/3. Báo cáo kết quả về UBND TP trước ngày 2 hàng tháng qua Công an TP để tổng hợp. UBND TP giao Công an TP, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 197 chủ trì, phối hợp với các sở, ngành kiểm tra việc giám sát, thực hiện, thiết lập đường dây nóng, kênh thông tin để tiếp nhận thông tin phản ánh về trường hợp vi phạm, duy trì kiểm tra đôn đốc các quận, huyện, thị xã xử lý vi phạm khi cần thiết.

TP Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình trạng thi công vỉa hè. Ảnh minh họa
TP Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình trạng thi công vỉa hè. Ảnh minh họa

Trước đó, vào ngày 16/12/2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 4236 về việc chấn chỉnh công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư hè đường các tuyến phố trên địa bàn TP.

UBND TP giao cho Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá kỹ các nguyên nhân xảy ra tình trạng đá lát hè phố bị bong bật, lún nứt, vỡ... Đồng thời tham mưu, đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, bao gồm cả việc nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng; rà soát, đánh giá hiệu quả công tác đầu tư, mỹ quan của việc lát đá vỉa hè.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau khi được UBND TP giao nhiệm vụ, Sở đã có văn bản gửi UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị thực hiện lát đá vỉa hè để tổng hợp, đánh giá tình trạng nguyên nhân hư hỏng, hiệu quả công tác đầu tư lát đá vỉa hè trên địa bàn. Yêu cầu ngày 16/3/2023, phải gửi văn bản báo cáo về Sở Xây dựng.

Sau khi nhận được văn bản báo cáo và tham khảo ý kiến đóng góp từ chuyên gia, Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND TP, đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực, đồng thời sẽ thanh tra, kiểm tra các dự án sau ngày 16/3.

Từ năm 2012, TP Hà Nội thực hiện đề án “Cải tạo, chỉnh trang hè phố Hà Nội đến năm 2020”, mục tiêu đến năm 2020 sẽ tiến hành cải tạo, chỉnh trang hè phố tại 900 tuyến đường của 12 quận nội thành.

Năm 2016, TP tiếp tục ban hành một số quy định mới về cải tạo hè phố, trên cơ sở đó các đơn vị chuyên môn do UBND TP giao nhiệm vụ đã tham mưu và được TP chấp thuận phương án sử dụng đá tự nhiên thay thế gạch xi măng truyền thống làm vật liệu lát vỉa hè. 

Sau khi một số quận của TP Hà Nội triển khai lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, hiện tượng nứt, vỡ, sụt, lún đã xảy ra ở một số nơi. Nguyên nhân được xác định ban đầu là do quá trình thi công (việc rải nền, trộn tỷ lệ xi măng, cát…); phân tích điểm yếu của đá tự nhiên là có vết rạn sẵn, nếu đầm nền không tốt sẽ dẫn đến lún, sụt, chỉ một thời gian ngắn đá có thể bị vỡ; rồi việc nhiều đoạn vỉa hè mới lát (chưa đủ 8 - 10 tiếng sau khi thi công) thì ô tô, xe máy đã lao lên.

Có nơi người dân tự đục vỉa hè làm lối lên xuống; có nơi cho phép đỗ ô tô trên vỉa hè hoặc cho phép cạy vỉa hè lên để hạ ngầm đường dây, khi hoàn trả không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần