Ngày càng nhiều quốc gia muốn hợp tác với BRICS

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga – nước đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) năm 2024 cho biết, hiện có hơn 30 quốc gia đã bày tỏ mong muốn hợp tác sâu rộng với khối này.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov. Ảnh: Tass
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov. Ảnh: Tass

Phát biểu tại Diễn đàn Dân sự BRICS ngày 3/7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói rằng danh sách các nước đang phát triển quan tâm đến việc thúc đẩy hợp tác với BRICS tiếp tục gia tăng.

Quan chức Nga nhấn mạnh: “Sau khi BRICS mở rộng lên 10 thành viên vào đầu năm nay, chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều nước đang phát triển mong muốn được hợp tác trên nhiều lĩnh vực với nhóm. Hiện đã có khoảng hơn 30 quốc gia muốn thiết lập quan hệ hợp tác sâu rộng với BRICS và danh sách này vẫn tiếp tục được mở rộng".

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, nhiều nước tuyên bố muốn gia nhập BRICS vì hoạt động của tổ chức này “dựa trên các nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền và tôn trọng sự lựa chọn phát triển của mỗi quốc gia”.

“Cách tiếp cận này sẽ trở thành một mô hình hợp tác bình đẳng giữa các chính phủ để tìm kiếm các giải  pháp mang tính xây dựng đối với những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt”- Tass dẫn phát biểu của ông Ryabkov tại sự kiện hôm 3/7.

Theo Thứ trưởng Ryabkov, một trong những ưu tiên chính của Nga trong năm đảm nhận Chủ tịch BRICS là đảm bảo “sự hội nhập suôn sẻ của các thành viên mới trong khối”.

Diễn đàn Dân sự BRICS diễn ra tại Moscow từ ngày 3-4/7. Hơn 200 đại biểu từ các quốc gia thành viên BRICS và các quốc gia khác ở miền Nam bán cầu tham dự sự kiện quan trọng này.

BRICS ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Từ đầu năm nay, nhóm bắt đầu mở rộng thành viên với Ả Rập Saudi, Iran, Ethiopia, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tham gia.

Việc BRICS mở rộng số lượng thành viên là chuyển biến quan trọng, khi nhóm này đặt mục tiêu loại bỏ sự thống trị của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Với dân số khoảng 3,5 tỷ người, khối BRICS mở rộng chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và hơn 40% sản lượng dầu của thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, BRICS hiện chiếm tới 36% GDP toàn cầu xét theo sức mua tương đương (PPP) so mức 30% của nhóm G7.