Ngày lễ độc thân 11/11/2022: Liệu nhu cầu mua sắm còn sức nóng?

Khang Nhi (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình kinh tế khó khăn đang ảnh hưởng xu hướng mua sắm của người dùng trong Ngày lễ độc thân 11/11/2022.

Vì sao ngày 11/11 được coi là ngày lễ độc thân?

Nguồn gốc của ngày hội độc thân 11/11 được bắt nguồn từ từ một sự kiện khá “hài hước” ở Trung Quốc. Câu chuyện được khởi nguồn từ một nhóm thanh niên không có vợ cũng chẳng có người yêu. Họ tụ tập lại với nhau và chơi mạt chược từ 11 giờ đêm hôm trước đến 11 giờ trưa hôm sau.

Ngày lễ độc thân 11/11/2022: Liệu nhu cầu mua sắm còn sức nóng? - Ảnh 1

Vì sao ngày 11/11 được coi là ngày lễ độc thân? Đó là bởi 4 số 1 đứng cạnh nhau gợi lên hình ảnh những cây gậy cô đơn, lẻ bóng. Mặt khác, số 1 vốn cũng được coi là chữ số đơn độc, lẻ loi trong quan điểm của nhiều người. Chính vì vậy, ngày này còn được thanh niên Trung Quốc gọi bằng nhiều cái tên như "Song thập nhất" (2 con số 11) hay "Quang côn tiết" (tết độc thân).

Không những thế, hôm tụ họp này lại rơi đúng vào ngày 11 tháng 11. Vì vậy, những chàng trai trong hội quyết định lấy ngày này làm kỷ niệm cho hội độc thân. Từ đó, ngày này bắt đầu lan rộng rãi ra cả Trung Quốc và dần được toàn thế giới biết đến.

Ngoài ra, cũng có một số người cho rằng thực chất nguồn gốc của lễ độc thân 11/11 không phải thế. Họ cho biết, Quốc tế độc thân được ra đời từ năm 1993 tại trường đại học Nam Kinh (Trung Quốc) nhân dịp các sinh viên tập hợp lại để ăn mừng sự cô đơn.

Tại Hàn Quốc, ngày lễ độc thân - Pepero Day được xem là ngày lễ tương tự Ngày lễ tình nhân. Mọi người thường tặng cho nhau một dòng bánh que nhúng socola với tên gọi là Pepero để thể hiện tình cảm với bạn bè và người thân.

Năm 2022, lễ hội mua sắm dịp ngày lễ độc thân biến động

Tại Trung Quốc, ngày 11/11 được các thương hiệu nắm bắt tâm lý của người độc thân để tung sale lớn vào dịp này mỗi năm. Các tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ tung ra nhiều sự kiện giảm giá thu hút lượng khách hàng mua sắm đông đảo.

Theo thông tin trên Forbes Việt Nam, ngày lễ độc thân 11/11 (Quang côn tiết) của Trung Quốc là sự kiện mua sắm lớn nhất thế giới do Alibaba khởi xướng, với quy mô hơn cả Prime Day (Amazon) và Black Friday cộng lại. Kể từ lần đầu tiên diễn ra vào năm 2009, ngày lễ độc thân đã trở thành lễ hội mua sắm quan trọng nhất của Alibaba, khi liên tục thu về doanh số bán hàng khổng lồ từ các chiến lược tiếp thị hiệu quả.

Qua đó, Alibaba đã góp phần phát triển xu hướng mua sắm trực tuyến kết hợp giải trí (shoppingtainment) tại Trung Quốc với chương trình đại nhạc hội mang tầm quốc gia phát sóng vào ngày 10/11 hằng năm, quy tụ những ngôi sao tầm cỡ thế giới như: Taylor Swift, David Beckham và các nhóm nhạc K-Pop. Không những vậy, Alibaba thông qua sàn thương mại điện tử Lazada nỗ lực đưa ngày lễ độc thân đến với Đông Nam Á với nhiều quốc gia hưởng ứng một cách gián tiếp và trực tiếp.

Bên cạnh áp lực về kinh tế, quá trình săn sale ngày 11/11 cũng khiến người dùng không còn hứng thú. Ảnh: Internet.
Bên cạnh áp lực về kinh tế, quá trình săn sale ngày 11/11 cũng khiến người dùng không còn hứng thú. Ảnh: Internet.

Năm 2022 có lẽ sẽ là thời điểm thách thức nhất của Ngày lễ độc thân 11/11 kể từ khi ra đời với việc không chỉ nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại do lệnh phong tỏa phòng, chống Covid-19 và cảnh báo về bong bóng lạm phát ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, mà các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc cũng gặp phải sự cạnh tranh gắt gao hơn từ những nền tảng video ngắn như Douyin (phiên bản nội địa của TikTok) trong bối cảnh đối mặt với áp lực từ cơ quan quản lý. Vậy câu hỏi đặt ra là iệu lễ hội mua sắm này có duy trì sức nóng như trước đó? Câu trả lời là có và không.

Có nhiều yếu tố vẫn không thay đổi, với lĩnh vực thương mại điện tử vẫn là kênh bán hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Trung Quốc, thị trường bán lẻ số 1 thế giới (người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu nhiều hơn người tiêu dùng Mỹ).

Trong khi đó, bất chấp việc có thêm đối thủ cạnh tranh, Alibaba vẫn được coi là kênh bán hàng lớn nhất hệ sinh thái thương mại điện tử. Trong năm 2022, Alibaba chiếm 60% doanh thu thương mại điện tử của Trung Quốc, JD.com xếp sau với khoảng 20%.

Tuy nhiên, năm nay, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại có thể sẽ không làm giảm đi sự sôi động của ngày lễ độc thân. Bởi vì đây vẫn là sự kiện mua sắm quan trọng nhất năm và thời điểm tốt nhất để triển khai chiến dịch quảng cáo cũng như sản phẩm mới. Tương tự, các doanh nghiệp bán lẻ Mỹ vẫn đón chờ sự kiện mua sắm dịp giáng sinh trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang chững lại.

Trong khi đó, trang điện tử Zing news lại đánh giá, ngày 11/11, ở Việt Nam, hoạt động mua sắm diễn ra vô cùng sôi động. Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều trang thương mại điện tử lớn như: Shopee, Lazada, Tiki, … tổ chức hàng loạt những chương trình khuyến mãi có giá trị lớn hay những voucher, mã miễn phí vận chuyển,… và ngày lễ Độc thân 11/11 cũng nằm trong số đó. 

Khác năm ngoái, tại Việt Nam, sự hào hứng mua sắm không còn thể hiện rõ trong đợt khuyến mại Lễ độc thân ngày 11/11/2022. Tình hình kinh tế khó khăn đang ảnh hưởng xu hướng mua sắm của người dùng.

Bên cạnh áp lực về kinh tế, quá trình săn sale cũng khiến người dùng không còn hứng thú. Bản thân một số người dùng cũng từ bỏ thói quen săn sale khi cảm thấy thời gian thức đêm giành giật từng voucher không xứng đáng.

Một trong những bất cập được người dùng phản ánh nhiều nhất là tình trạng sale ảo, tức giá sản phẩm sau khi sale không mấy chênh lệch so với giá bán ngày thường. 

Chỉ cần kiểm tra bằng một số ứng dụng, người dùng có thể dễ dàng phát hiện một số người bán đẩy giá hàng hóa lên cao trước ngày sale, sau đó khuyến mãi với mức ưu đãi khủng nhằm tạo tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lỡ) cho người mua.

Mùa mua sắm cuối năm cũng là dịp để các shop bán hàng thể hiện nhiều chiêu trò hút khách khác nhau. Ảnh: Internet.
Mùa mua sắm cuối năm cũng là dịp để các shop bán hàng thể hiện nhiều chiêu trò hút khách khác nhau. Ảnh: Internet.

Mùa mua sắm cuối năm cũng là dịp để các shop bán hàng thể hiện nhiều chiêu trò hút khách khác nhau. Một trong những hình thức phổ biến là lồng ghép sản phẩm phụ, có giá trị thấp vào sản phẩm chính để tạo hiệu ứng chim mồi, thu hút lượng tương tác của người dùng.

Ngoài ra, việc hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT vẫn còn khá phổ biến. Hiện nay, cả 4 sàn TMĐT lớn hiện nay là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đều có chính sách chống hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc. 

Số liệu từ Bộ Công Thương cho biết tính riêng năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phát hiện hơn 3.000 trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua TMĐT. Trong vòng 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên TMĐT được dự đoán có thể chiếm 50-60% tổng hình thức gian lận thương mại.

Tuy nhiên, ngày 11/11 ở Việt Nam lại được nhiều cặp đôi chọn làm ngày tổ chức hôn lễ của mình. Trong thời buổi hiện đại, rất nhiều cặp vợ chồng tương lai tổ chức đám cưới vào ngày lễ độc thân, với niềm tin kết hôn vào ngày này sẽ mang lại nhiều hạnh phúc và may mắn đến với họ.