Nước mắt trên nhịp cầu mới
Trời ngớt mưa, nắng bắt đầu hưng hửng, bà Nguyễn Thị Hiền (81 tuổi) vội vàng nhờ cháu gái chở mình cùng bà Phạm Thị Đạt (84 tuổi) từ cuối xóm Đồng Min (tức xóm 9, thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương) chạy tới giữa xóm để cùng ngắm cây cầu Đông Yên 3, nối đôi bờ sông Trà Bồng được chính thức đưa vào sử dụng.
(Từ trái sang) Bà Nguyễn Thị Hiền, bà Phạm Thị Đạt và cháu gái bà Hiền cùng nắm tay, dìu nhau đi qua cầu mới. |
“Bà Đạt yếu lắm, cả 5 tháng nay chân đau chỉ nằm ở nhà. Nghe hôm nay cầu khánh thành, bà ấy cố gắng qua đây để được đi trên chiếc cầu mới cho thỏa ước nguyện. Bà ấy đi suốt một lượt hơn 300m, qua bên kia cầu mà vẫn chưa dừng lại. Chắc mừng quá mà hết cả đau”, bà Hiền nhìn bà Đạt mỉm cười.
Ba bà cháu cứ thế cùng dắt tay nhau, chậm rãi bước trên cầu. Lượt về, bà Đạt than mệt, nên dừng lại nghỉ chân. Bà Đạt lấy trong túi ra chiếc điện thoại cũ, run rẩy gọi cho con trai: “Con ơi, hôm nay cầu thông rồi, mẹ nhờ mấy người chở lên để tận mắt thấy được cây cầu. Mẹ đang ở trên cầu đây, giờ con về thăm mẹ cũng dễ rồi, chạy thẳng một hơi là tới”, bà Đạt rơm rớm.
Đầu bên kia, con trai bà là Trần Văn Phúc (59 tuổi) liên tục đáp lời mẹ, hỏi cầu có đẹp không, có nhiều người tới xem không. Ông Phúc cũng hẹn cuối tuần, được nghỉ dạy sẽ về thăm mẹ. Qua điện thoại, 2 mẹ con cứ thế mà mừng mừng, tủi tủi (!)
Bà Đạt chỉ có ông Phúc là con trai duy nhất. Khi lập gia đình, vì điều kiện sống ở Đồng Min quá khó khăn, để thuận lợi cho công việc và học hành của con cái, vợ chồng ông Phúc góp tiền mua đất ở thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn), riêng bà Đạt vẫn ở lại xóm Đồng Min. Ông Phúc công tác ở tận phía Tây huyện miền núi Trà Bồng, đường xá xa xôi cách trở nên ít về nhà, về quê thăm mẹ.
“Đường xa, khó đi nên nó ít về lắm, tui cứ thui thủi một mình. Mùa nắng còn đỡ, chứ mùa mưa, rồi đêm hôm, tui có đau ốm thì nó cũng không biết làm sao mà qua đây với tui. Giờ có cầu vững chãi rồi, muốn về lúc nào cũng được”, bà Đạt rơi nước mắt.
Ở bên kia cầu, ông Phạm Đạt (81 tuổi, xóm 7, thôn Đông Yên 1) dù đang bị thương cũng ráng dắt mấy đứa cháu nhỏ đi qua đi lại trên cầu mới. “Bao nhiêu năm qua, dân cư 2 bên bờ sông chỉ mơ ước có chiếc cầu này. Bây giờ già rồi, điều ước đã thành hiện thực nên có chết cũng yên tâm, vui vẻ. Lớp thế hệ chúng tôi đã khổ quá rồi, nhưng từ bây giờ trở đi, đời con, đời cháu mình sẽ sướng hơn”, ông Đạt hào hứng.
Ngày cầu được khánh thành, bà con Đồng Min từ sáng sớm đã đi tới đi lui, rộn ràng cười nói, không khí vui vẻ như ngày hội. Các cụ già liên tục đi qua đi lại trên cầu, ngắm nghía, vỗ tay. Theo chia sẻ của người dân, nhiều năm qua, đời sống của người dân Đồng Min gặp nhiều khó khăn. Mua hàng hóa từ bên kia bờ về hay từ Đồng Min bán ra đều phải chịu thua lỗ từ 5.000 - 7.000 đồng so với nơi khác vì vận chuyển khó khăn.
Làm nhà cửa, cho con ăn học lại càng vất vả. Gia đình khá giả phải đưa con lên thị trấn để học hành cho thuận tiện vì vùng Đồng Min mỗi năm lại có vài tháng bị cô lập với đất liền. Đến mùa mưa, đường độc đạo ra vào khu vực này là cầu tre bị tháo dỡ hoặc cuốn trôi, học sinh phải dùng dò qua sông. Con cái lên đò qua sông đến lớp là cha hoặc mẹ lên theo, ngày nào cũng đưa đi đưa về vài lượt như thế. Nếu nước lớn hoặc có mưa bão thì phải nghỉ học.
“Mấy trăm năm qua, bao nhiêu lớp người đã nằm xuống, bao nhiêu đơn thư, kiến nghị đã gửi mới có cây cầu này. Suốt thời gian đó, người dân đã chịu nhiều khổ cực, vất vả, thua thiệt so với các vùng khác. Bây giờ có cầu, con tôm, con cua hay mớ rau, trái ớt bên xóm Đồng Min sẽ không còn bị tiểu thương ép giá vì vận chuyển vào bờ khó khăn. Xóm Đồng Min sẽ khác, không còn bị chê nghèo, con cháu xóm này đi học cũng không còn gian nan nữa”, bà Nguyễn Thị Điện (70 tuổi, xóm Đồng Min) rưng rưng.
Cuộc sống sang trang mới
Sau 19 tháng khẩn trương thi công, chiều 25/11, cầu Đông Yên 3 (thuộc xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) chính thức được bàn giao, đưa vào sử dụng trong niềm vui của hàng nghìn người dân xóm ốc đảo Đồng Min.
Công trình cầu Đông Yên 3 bắc qua sông Trà Bồng, nối liền xã Bình Dương với xóm Đồng Min (nay là xóm 9, thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương) thuộc dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại miền trung, tỉnh Quảng Ngãi, với tổng vốn đầu tư hơn 27,1 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư.
Đây là công trình giao thông cấp 4, riêng cầu Đông Yên 3 là cấp 3, đường hai đầu cầu giao thông nông thôn cấp A. Tổng chiều dài tuyến chính công trình hơn 300m, trong đó chiều dài cầu hơn 158m, gồm 6 nhịp liên tục bằng thép liên hợp bản bê-tông cốt thép, rộng 6m, tổng tải trọng xe chở hàng hóa qua cầu là 16 tấn.
Theo ông Nguyễn Phương - Bí thư Chi bộ kiêm xóm trưởng xóm Đồng Min, khu vực này hàng mấy trăm năm qua được xem như vùng ốc đảo. Con đường duy nhất mà người dân trong xóm đến trung tâm xã Bình Dương hoặc các nơi khác là phải đi qua cầu tre, ván gỗ tạm bợ. Đến mùa mưa lũ, nếu không kịp tháo dỡ, cầu bị nước lũ cuốn trôi khiến xóm Đồng Min bị chia cắt, cô lập khiến cuộc sống của bà con bị đảo lộn.
Cây cầu tre từng là đường duy nhất ra - vào ốc đảo Đồng Min thường bị cuốn trôi vào mùa mưa bão, năm nào người dân cũng góp sức làm lại cầu mới. |
“Suốt nhiều tháng mùa mưa người dân trong vùng đi lại rất khó khăn, phải sử dụng thuyền nhỏ qua lại trên sông nước chảy xiết, rất nguy hiểm đến tính mạng. Có năm, lũ lớn đã cướp đi sinh mạng 4 người trong gia đình của người dân nơi đây. Hầu như năm nào, cầu tre cũng bị lũ cuốn trôi. Hết mùa mưa lũ, bà con lại chung sức làm lại cây cầu khác. Cây cầu bê tông này hy vọng sẽ tạo ra bước ngoặt, đưa cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng phát triển”, ông Phương chia sẻ.
Qua bao đời, người dân Đồng Min năm nào cũng vất vả làm cầu tre, ván gỗ tạm để đi lại. Cầu tre, xe ô-tô vận tải không thể lưu thông, nên việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng của người dân Đồng Min rất vất vả, phải thồ từng viên đá, từng bao xi măng để xây dựng, sữa chửa nhà ở. Vì vậy, cây cầu vững chãi vượt lũ, không còn cảnh chia cắt đôi bờ là nguyện ước của người dân bao lâu nay.
“Khu vực Đồng Min có 240 hộ với khoảng 1.000 nhân khẩu. Nơi đây cũng có nhiều diện tích đất nông nghiệp và khoảng 15ha nuôi trồng thủy sản của bà con ở cả 2 bên bờ sông. Việc đưa cầu Đông Yên 3 vào sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong việc đi lại, lưu thông hàng hóa và không còn nơm nớp lo lắng bị chia cắt khi nước lũ tràn về, góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương”, ông Nguyễn Quang Vũ - Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết.