70 năm giải phóng Thủ đô

Ngày Thần tài và chuyện tiêu dùng thông thái

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày Thần tài (mồng 10/1 Âm lịch) năm nay đã chứng kiến diễn biến khá bất ngờ của thị trường vàng.

Theo đó, giá vàng đi xuống nhiều phiên liên tiếp, ngay cả thời cao điểm. Một số cửa hàng có nhộn nhịp, tuy nhiên, nhiều nơi cũng vắng hoe. Các giao dịch mua bán vàng chỉ dừng ở mức mua nhỏ lẻ, lấy may chứ không đổ xô mua bằng mọi giá dù các DN vàng ra sức truyền thông, quảng bá.

Việc giá vàng trong nước liên tục giảm là diễn biến khá lạ lùng trong bối cảnh nhu cầu vàng ngày Vía Thần Tài tăng hơn so với ngày thường. Điều này cho thấy, người mua đã có những tính toán kỹ lưỡng khi quyết định xuống tiền, ngay cả trong Lễ Thần tài. Nếu mua lấy may, họ cũng chỉ mua lượng vàng nhỏ lẻ.

Lý giải về màn “quay xe” lạ lùng của kim loại quý này bất chấp nhu cầu mua vàng cầu mong may mắn của người dân, nhiều chuyên gia cho rằng, điều này không khó hiểu.

Từ nhiều năm nay, phong trào mua vàng lấy may ngày Vía Thần tài được các DN kinh doanh vàng “đẩy” lên thành truyền thống. Người tiêu dùng hiện cũng rất thông thái, họ chỉ mua khi giá vàng đạt kỳ vọng đầu tư nếu mua số lượng lớn. Còn nếu mua lấy may thì lượng giao dịch chỉ dừng ở mức một, vài chỉ vàng cầu mong làm ăn thuận lợi.

Ngoài ra, việc cạnh tranh khốc liệt trong thị trường vàng cũng khiến người dân có nhiều lựa chọn hơn phù hợp với túi tiền và mức giá. Năm nay, các đơn vị cung cấp vàng bạc lớn, thị trường ngày Vía Thần tài đã bị một nhóm các sản phẩm giá rẻ cạnh tranh sôi động.

Đánh vào tâm lý ít tiền nhưng vẫn muốn đón Thần tài của khách hàng, nhiều người đã chuyển hướng kinh doanh các sản phẩm mạ vàng giá rẻ như bao lì xì Thần tài, mèo Thần tài, hũ muối gạo Thần tài, Tháp tỏi lấy lộc Thần tài... Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhu cầu mua vàng của người dân được "pha loãng", kéo giá vàng có những thời điểm giảm mạnh đầy bất ngờ ngay giờ “cao điểm” Thần tài.

Ngoài ra, sức ép lợi nhuận và nguồn cung khi giá vàng thế giới giảm cũng khiến giá vàng trong nước buộc phải điều chỉnh đi xuống, dù chênh lệch giữa trong nước và thế giới vẫn trên 10 triệu đồng/lượng.
Vì thế, người dân cần quan sát hai vấn đề gồm độ chênh giữa vàng miếng SJC và giá vàng quy đổi quốc tế; chênh lệch giữa vàng nhẫn và giá vàng quy đổi quốc tế để có những quyết định đầu tư phù hợp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2023, giá vàng thế giới năm 2023 sẽ phục hồi khá tích cực, do kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, nhiều nền kinh tế lớn có khả năng suy thoái

. Trường hợp các thị trường tài chính đi lên năm 2023, vàng sẽ hưởng lợi, song khó vượt đỉnh 2.075 USD/ounce. Tuy nhiên, với đặc điểm thị trường Việt Nam, năm nay vẫn không phải là năm của vàng.

Giá vàng trong nước vẫn cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới nên đầu tư kim loại quý này không phải là một lựa chọn ưu tiên. Lợi nhuận từ kênh đầu tư vàng vật chất có thể còn thấp hơn kênh gửi tiết kiệm. Nếu so sánh với các kênh đầu tư khác (ví dụ chứng khoán, trái phiếu DN…), vàng càng xếp sau về hiệu quả sinh lời.

Mặt khác, diễn biến giá vàng thời gian tới phụ thuộc nhiều vào tình hình chiến sự Nga - Ukraine. Nếu tình hình chiến sự diễn biến căng thẳng hơn, giá vàng sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, đây là kênh đầu tư rất rủi ro, nhất là đầu tư ngắn hạn.