Chị nhớ, lần bố mất, ai cũng khóc nhưng riêng mẹ chị thì không khóc. Lúc đó tang gia bối rối, chị không nghĩ ngợi gì. Hôm đưa bố ra nghĩa trang, chị được mọi người cắt cử trông mẹ. Hai mẹ con đợi mọi người về hết, rồi mẹ nán lại bên mộ bố một chốc và bà khóc nức nở. Lúc này chị mới để ý là bà trước đó đã không hề rơi giọt nước mắt nào. Bà khóc trong vỡ òa sự thương nhớ.
Mỗi năm đến ngày giỗ là mỗi lần chị thấy mẹ chị thơ thẩn vào ra, như ngóng trông điều gì đó. Sau này chị mới biết đó là thói quen hàng ngày mẹ trông bố đi làm về.
Sau này chị mới biết, bố và mẹ chị tuy có đến 5 người con nhưng rất ít khi ở gần nhau. Ông là nhà nghiên cứu về cây cối. Bà cũng là một nhân viên nhà nước. Quãng thời gian dài từ khi lấy nhau, ông khi thì ở trường đai học, lúc ở thư viện, phòng nghiên cứu… không mấy khi ở nhà.
Mỗi năm, ông lại lên rừng đi nghiên cứu cây này cây nọ. Hồi đó không có điện thoại di động nên hầu như không ai liên lạc được với ông. Có lần nhà trường nơi ông công tác dọa cho ông nghỉ việc, ông chỉ cười xóa, hứa không “tái phạm”. Nhưng rồi năm này, qua năm khác ông cứ đi.
Về nhà, ông chỉ gặp vợ con lúc ăn cơm, dặn con cố gắng học hành rồi xong bữa lại chúi đầu vào sách vở. Ông không hề biết nhà có còn gạo hay đã hết gạo, hôm nay bà làm sao kiếm ra được bữa cơm tươm tất cho chồng con ăn. Ông cũng không hề biết là hôm qua, hôm kia… đứa con này đau ốm ra sao, bà chở con đi bệnh biện rồi chăm chúng như thế nào.
Hồi ông bà lấy nhau, ai cũng khen là đẹp đôi. Hai nhà “môn đăng hộ đối”. Ông nổi tiếng là nhà trí thức hiếm hoi thời bấy giờ. Bà cũng nổi tiếng là học giỏi và công dung ngôn hạnh. Nhưng điều bà không biết về ông là ông hết mình vì công việc.
Hồi đó, người phụ nữ chấp nhận đứng đằng sau chồng để hỗ trợ chồng và bà cũng vậy. Điều khiến bà được an ủi về ông là ông được xã hội, đồng nghiệp đánh giá rất cao. Thậm chí, ông còn được các tổ chức khoa học nước ngoài, bạn bè quốc tế kính trọng.
Không kính trọng ông làm sao được khi ông là nhà khoa học có những công trình lớn, mang ý nghĩa là chìa khóa thúc đẩy một lĩnh vực khoa học trong nước và ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực đó ở thế giới. Là người xuất thân từ môi trường do Pháp đào tạo, ông giỏi tiếng Pháp, rồi tự học để giỏi tiếng Anh, tiếng Latin, tiếng Nga và tiếng Trung.
Bà còn được an ủi về ông là ông luôn coi bà là chỗ dựa về tinh thần, đặc biệt ông xem bà là trụ cột của gia đình.
Mỗi khi con cái đòi hỏi gì đó, ông chỉ cười: “Hỏi mẹ ấy. Tôi có ý kiến gì thì cũng phải hỏi ý kiến bà ấy nhé”. Mỗi khi ông viết một bài báo khoa học nào cũng nhờ bà xem lại. Ông nói: “Bà xem tôi diễn đạt có sáng rõ chưa, có lỗi chính tả hay không”. Đó cũng gần như là mối liên hệ duy nhất giữa ông và bà.
Ông cũng than thở với bà là ít có thời gian đưa bà đi chơi chỗ này, chỗ nọ. Nhưng dù hiếm, ông cũng có những lần đưa bà đi thăm quê nội, quê ngoại.
Điều cuối cùng bà vẫn nhớ về ông trong “sự nghiệp” đóng góp gia đình là ông vẫn cho lời khuyên cho con cháu về chuyện học hành. Ngoài ra, ông luôn là tấm gương học hành, lao động cần mẫn để con cháu noi theo.
Không biết từ lúc nào thì gia đình ông bà hết khó khăn về kinh tế, có lẽ là lúc tình hình chung của đất nước khá lên. Ông về cuối đời cũng ít đi hơn, vì sức khỏe yếu. Cũng do đó, ông ở nhà với bà nhiều hơn. Dù ông vẫn ít nói chuyện với bà nhưng bà vẫn vui vì ông lúc đọc sách đã uống trà do bà pha đã có thời gian để cất lời cảm ơn bà.
Tình nghĩa vợ chồng gắn bó hơn 60 năm nặng tựa non. Đó là ý nghĩ mỗi lúc chị nhìn mẹ mình cầm 3 nén hương ngước lên nhìn di ảnh của bố, người đàn ông có ánh mắt cười hấp háy sau cặp kính trắng dày.