Ngày Tết, sum vầy anh em, quây quần bè bạn ...“nâng chén” mà ngâm lên khúc “Hồ Trường” cùng bậc danh sĩ Nguyễn Bá Trác (1881 - 1945) tâm hồn ta như được tung cánh bay lên với chí cao vời vợi, nhiệt huyết sục sôi. Khúc bi tráng dâng trào bao khát vọng: “Trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường/Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương/Trời nam nghìn dậm thẳm, mây nước một màu sương/Học không thành, danh chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thể bóng tà dương/Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường/Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu?/Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lạn/Rót về Tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan/Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút, đá chạy cát dương/Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt, có người quá chén, như điên như cuồng/Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta ta hay/Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây”. Rượu đưa tâm trí con người “phiêu” đến thế là cùng!
Thông thường, khi con người buồn thì uống rượu nhiều hơn cả. Và “rượu buồn” cũng chứa muôn vàn tâm trạng. Còn gì buồn và mỉa mai hơn với người con gái tài hoa, xuân sắc, đa tình như Hồ Xuân Hương, nâng chén rượu trong tình cảnh cô đơn: “Canh khuya văng vẳng trống canh dồn/ Trơ cái hồng nhan với nước non/Chén rượu hương đưa, say lại tỉnh” (thơ Hồ Xuân Hương).
Sâu sắc, thắm đượm là rượu để chia sẻ tình tri kỉ, như cụ Trần Huyền Trân với cụ Tản Đà: “Cụ hâm rượu nữa đi thôi/Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu/Rồi lên ta uống với nhau/Rót đau lòng ấy vào đau lòng này” (thơ Trần Huyền Trân). Rót rượu là rót sang nhau cả bầu tâm sự trĩu nặng buồn đau, an ủi nhau, cho vơi bớt nỗi niềm thế cuộc... Thiếu người bạn hiền, tri kỉ, rượu không còn ý nghĩa - như cụ Nguyễn Khuyến từng “khóc Dương Khuê”: “Rượu ngon không có bạn hiền/ Không mua không phải không tiền không mua” (thơ Nguyễn Khuyến).
Với Trịnh Công Sơn chén rượu không còn là chén rượu bình thường mà được ông đẩy lên thành biểu tượng của nỗi buồn, thành chén đắng, chén cay: “Chén rượu cay/ một đời tôi uống hoài/ Trả lại từng tin vui/Cho nhân gian chờ đợi” (Phôi pha). Với Y Vân, nỗi buồn và rượu cứ quấn lấy nhau, càng nói, cõi lòng càng thêm trống trải, chơ vơ: “Buồn như ly rượu đầy/Không có ai cùng cạn/Buồn như ly rượu cạn/Không còn rượu để say” (Buồn).
Nhưng nếu rượu buồn có muôn vạn nỗi buồn thì rượu vui cũng có muôn vạn niềm vui. Nhưng rượu vui được nói nhiều nhất là ở “Chén rượu ngày xuân” khi mà thiên nhiên hòa quyện chất men sự sống của con người, là cơ hội để con người tận hưởng giây phút lâng lâng hạnh phúc trần gian. Thật đúng như cảm giác Tản Đà miêu tả: “Ngày xuân mới ca oanh múa én/ Đối non xanh, cất chén rượu đào/ Hương đưa mùi rượu ngọt ngào/ Gió thông trên núi quạt vào hồn thơ”…
Rượu - một “tiểu chủ đề” trong văn hóa ẩm thực Việt Nam nhưng “tiểu chủ đề” này lại chứa đựng nội dung phong phú, luận bàn bao nhiêu cũng không thể nói hết! Tuy nhiên mọi cuộc rượu đều cần giữ được sự “vui”, sự “đẹp”. Uống rượu sợ nhất là ai đó làm cho cuộc rượu “mất vui”. Hai chữ “mất vui”nghe bình thường nhưng chứa đựng rất nhiều cung bậc của sự kém “văn hóa rượu”. “Mất vui” có thể là người uống nói năng thô lỗ, tục tằn, “mất vui” hơn là người uống có hành động chửi bới, đánh đập, xâm phạm thể xác, tinh thần người khác, “mất vui” “kinh khủng” nhất là người uống gây ra tử nạn.
Ranh giới giữa “vui”, “đẹp” và “ không vui”, “không đẹp” trong các cuộc rượu luôn luôn thật mong manh. Bởi với rượu, bên cạnh sự thường trực của “thần hứng” luôn có sự rình rập của “ma men”. “Thần hứng” có thể làm cho con người vui tươi, phấn chấn, “lên tiên”, đưa con người đến với thế giới sáng tạo... “Ma men” có thể dìm con người xuống chín tầng địa ngục... Chính vì thế đừng bao giờ để những con “ma men” làm mất đi chính mình.