Nghề “canh ông trời”

Đỗ Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Từng một thời thịnh vượng, nghề trồng dâu nuôi tằm của cư dân dọc bờ sông Vệ cứ mai một dần, chỉ còn một số người lớn tuổi, vì tiếc truyền thống từ bao đời mà cố giữ.

“Nuôi tằm ăn cơm đứng”

Đang lưng chừng bữa cơm trưa, nhìn ra ngoài thấy trời đột nhiên chuyển mây mù, ông Ngô Hoàng Hải (thôn Phú An, xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) buông vội bát đũa, quơ lấy cái nón bảo hiểm rồi nổ xe. Chen trong tiếng động cơ cũ rè rè, ông dặn với lại: “Tui đi hái dâu, bà cứ ăn cho xong".

Bà Nguyễn Thị Lưu- vợ ông Trường nghển cổ nhìn theo, đáp lời: “Hái nhiều chút nghen ông, mấy nong tằm đang kỳ ăn rỗi”.

Gia đình ông Ngô Hoàng Hải là một trong số ít hộ dân còn theo nghề truyền thống. Ảnh: Hà Phương 
Gia đình ông Ngô Hoàng Hải là một trong số ít hộ dân còn theo nghề truyền thống. Ảnh: Hà Phương 

Ông Hải gật gật đầu, lao xe đi, chạy thẳng ra bãi bồi ven sông Vệ. Băng qua con đường mấp mô, khoảnh đất trồng dâu của gia đình ông Hải dần hiện ra, nằm lọt thỏm giữa những ruộng ngô sinh khối xanh tốt, cao ngút đầu người.

“Trước đây cả bãi bồi mấy chục hecta này toàn trồng dâu thôi, bây giờ ít người nuôi tằm nên chuyển sang trồng ngô sinh khối gần hết, để bán cho nhà máy sữa”- ông Hải vừa hái lá dâu, vừa nói.

Ngô sinh khối dần thay thế cây dâu ở khu vực ven sông Vệ. Ảnh: Hà Phương 
Ngô sinh khối dần thay thế cây dâu ở khu vực ven sông Vệ. Ảnh: Hà Phương 

Ông Hải là người quê gốc Sơn Hà, nhưng khi kết hôn với bà Lưu đã quyết định bám trụ ở Đức Hiệp, trồng dâu nuôi tằm mưu sinh. 60 tuổi, ông Hải gắn bó với nghề hơn chục năm.

Hái xong lá dâu, ông Hải chạy xe về nhà. Đỡ từng chiếc bao tải đã cũ sờn trĩu nặng, bà Lưu nhanh chóng đổ ra sàn nhà, vun lại thành đống rồi bọc kỹ xung quanh để dâu tươi lâu. Không giống ông Hải, bà Lưu lại là “truyền nhân” chính hiệu của gia đình có nhiều đời làm nghề trồng dâu nuôi tằm.

Bà Nguyễn Thị Lưu là truyền nhân của gia đình có nhiều thế hệ làm nghề trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: Hà Phương 
Bà Nguyễn Thị Lưu là truyền nhân của gia đình có nhiều thế hệ làm nghề trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: Hà Phương 

“Nuôi tằm là “nghề ăn cơm đứng”, đúng hơn là “canh ông trời”, bởi đang ăn chén cơm mà trời có dấu hiệu đổ mưa thì cả nhà phải chạy đi hái lá dâu. Lá dâu ướt, con tằm ăn vào dễ bệnh, chết, lá héo nó không ăn. Nếu hái lá dâu vào mùa mưa phải rải ra sàn, bật máy quạt làm khô. Đó là chưa kể giống tằm rất khó tính, chỉ ở nơi mát mẻ, thức ăn phải sạch, bám chút hơi thuốc trừ sâu cũng chết”- bà Lưu chia sẻ.

2 vợ chồng ông Hải, bà Lưu có với nhau 5 mặt con. Thời trai trẻ, ông bà cũng có giai đoạn rời làng vào Nam mưu sinh, con cái gửi lại ở quê. 3 lần đổi nghề, cứ ngỡ thoát khỏi cảnh “ăn cơm đứng”, nhưng duyên nghiệp chưa dứt, bôn ba đầu non góc bể rồi vẫn về chốn cũ, miệt mài với với những con tằm rút ruột nhả tơ.

"Giờ già rồi, sống chết cũng không thể bỏ. Nghề này cực lắm, chỉ sướng mỗi lúc bán lấy tiền thôi”- ông Hải hóm hỉnh.

Bình quân, cứ 2 tháng, ông Hải nuôi 3 lứa tằm, mỗi lứa thu khoảng 25kg kén, giá bán 170.000 đồng/kg. Dù vất vả nhưng nuôi tằm cũng mang lại 7-8 triệu đồng, đủ để gia đình trang trải.

Tằm được cho là giống kén ăn, chỉ ăn lá dâu tươi, sạch, không bị ướt. Ảnh: Hà Phương 
Tằm được cho là giống kén ăn, chỉ ăn lá dâu tươi, sạch, không bị ướt. Ảnh: Hà Phương 

“Nuôi tằm là không kể ngày đêm, mỗi ngày phải cho ăn đủ 5 lần. Nếu thiếu lá dâu, con tằm không tạo kén, mất thu nhập. Có lúc bí quá, phải chạy xin chỗ này một ít, chỗ kia một ít. Nuôi cũng hên xui lắm, vì chỉ cần 1 nong tằm bệnh là 8 nong còn lại bỏ luôn. Cực vậy nên giờ tụi nhỏ có đứa nào thèm theo đâu. Chắc đến đời tụi tui là hết”- bà Lưu thở dài nhè nhẹ.

Nuối tiếc nghề trăm năm

Nằm dọc theo bờ sông Vệ, xã Đức Hiệp từ lâu nổi tiếng nghề trồng dâu nuôi tằm. Cứ mỗi mùa mưa lũ qua, nước sông dâng cao, cánh đồng được bồi đắp thêm phù sa, cây dâu không cần bón phân vẫn xanh tốt. Bà con trong làng lại cùng nhau chẻ tre đan nong, đan vỉ…

Dâu được trồng để thu lá, phục vụ nuôi tằm. Ảnh: Hà Phương
Dâu được trồng để thu lá, phục vụ nuôi tằm. Ảnh: Hà Phương

“Nghề này có lẽ từ hơn trăm năm trước, đến tận sau ngày giải phóng vẫn còn phồn thịnh. Vào những năm tiếp theo, ở đây còn có HTX trồng dâu nuôi tằm. Công ty Dâu tằm tơ Quảng Ngãi hoạt động mạnh nên hầu hết các thôn trong xã đều làm nghề trồng dâu nuôi tằm, có cả kéo sợi, quay tơ. Rồi công ty giải thể, HTX dừng hoạt động. Từ đó, nghề đi xuống dần, ít người làm, mà cũng chỉ còn bán kén thô cho thương lái”-  ông Lê Văn Trường kể.

Trải qua nhiều đổi thay, những bãi dâu xanh ngát dọc sông ngày nào dần thu hẹp, bị thay thế bởi ngô sinh khối. Mỗi hộ chỉ còn giữ 3-5 sào ruộng trồng dâu, số nong tằm cũng ít đi, chỉ còn ít người già cố giữ nghề mà ông cha gây dựng nên.

Kén thô sẽ được thương lái thu mua. Ảnh: Hà Phương 
Kén thô sẽ được thương lái thu mua. Ảnh: Hà Phương 

Gia đình ông Lê Văn Trường cũng có nhiều đời làm nghề trồng dâu nuôi tằm. Đến đời ông, dù đương đầu với nhiều khó khăn nhưng vẫn ráng bám trụ. Vừa kết thúc một đợt tằm, những vật dụng được ông xếp gọn lại một nơi để chuẩn bị đợt nuôi mới.

“Có nhiều lý do để bà con không theo nghề, phần vì vất vả, thu nhập không cao, phần vì hiện nay việc cung cấp giống và thu mua do một cơ sở ở Bình Định độc quyền. Giá cả, thời gian thu mua do họ đưa ra, có năm giá rất thấp, chỉ 70.000- 80.000 đồng/kg kén, năm được giá thì 170.000- 190.000 đồng. Bấp bênh quá nên nhiều người bỏ nghề”- ông Trường chia sẻ.  

Ông Lê Văn Trường đang chuẩn bị cho đợt nuôi tằm mới. Ảnh: Hà Phương 
Ông Lê Văn Trường đang chuẩn bị cho đợt nuôi tằm mới. Ảnh: Hà Phương 

Góp thêm vào câu chuyện của ông Trường, bà Lê Thị Thuyền phe phẩy chiếc nón lá, tỉ tê: “Nghề này tuy vất vả nhưng tính ra vẫn có thu nhập. Với lại bây giờ nuôi cũng nhanh cho thu hoạch hơn, vì cơ sở giống đã ươm sẵn và nuôi một thời gian mới bán cho mình. Có điều diện tích đất được xã giao ít quá nên giờ một số người phải thuê thêm mới đủ dâu lấy lá nuôi tằm. Như tôi phải thuê thêm 5 sào cho đủ 1 hecta”.

Theo thống kê, hiện tại ở xã Đức Hiệp chỉ còn khoảng vài chục hộ dân gắn bó với con tằm, theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, thiếu liên kết và quy mô nhỏ, lẻ.

“Năm ngoái vẫn còn 23 hộ làm nghề trồng dâu nuôi tằm, nhưng giá kén thấp khiến nhiều người bỏ nghề. Sang năm 2023 chỉ còn khoảng 10 hộ làm, tập trung thôn Phú An”- Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Hiệp Lý Phát, cho hay.

Trăn trở với nghề trồng dâu nuôi tằm của địa phương, ông Phát cũng tìm đủ cách để vực dậy nhưng vẫn chưa tìm được hướng đi hiệu quả.

“Nghề trồng dâu nuôi tằm có đặc trưng riêng, cần phải liên kết thành vùng mới phát triển được. Bà con trong xã rất mong được hỗ trợ tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ một số mô hình hiệu quả ở các nơi và tìm đầu ra ổn định. Nếu không, nghề truyền thống này rồi cũng đi vào vết xe đổ, biến mất như nghề đúc đồng trước kia”- ông Phát trầm ngâm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần