Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghề điều dưỡng, những cống hiến thầm lặng

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Luôn song hành với bác sĩ, đội ngũ điều dưỡng chính là cánh tay đắc lực trong quá trình phục hồi sức khỏe của mỗi bệnh nhân.

Khoa Sơ sinh- Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi là nơi điều trị cho trẻ sinh non bị các bệnh lý nặng như suy hô hấp, đa dị tật. Tại đây, đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng phải thực hiện chăm sóc toàn diện, hoàn toàn thay cho người nhà của trẻ. 

Điều dưỡng Đặng Thị Tiên có 7 năm công tác tại Khoa Sơ sinh.
Điều dưỡng Đặng Thị Tiên có 7 năm công tác tại Khoa Sơ sinh.

7 năm công tác tại Khoa Sơ sinh, điều dưỡng Đặng Thị Tiên có không ít kỷ niệm với nghề. Đó là những lúc tiếp nhận những trường hợp khẩn cấp, hoặc những ca bệnh nặng, cả ê kíp gồm bác sĩ, điều dưỡng... phối hợp với nhau, từng giây từng phút giành giật bệnh nhân thoát khỏi tử thần.

Với điều dưỡng Đặng Thị Tiên, nghề y vất vả, đòi hỏi sự hy sinh, nhưng riêng với chuyên ngành sơ sinh lại đặc thù hơn. Chăm sóc, điều trị các trẻ sơ sinh là một cuộc chiến thầm lặng đòi hỏi sự cố gắng, kiên nhẫn, bền bỉ của chị và đồng nghiệp.

“Hàng ngày phải túc trực xuyên suốt với em bé. Có dấu hiệu bất thường, diễn biến xấu đi thì phải kịp thời nắm bắt để báo bác sĩ xử trí, giúp bé không bị nặng hơn hoặc qua cơn nguy kịch”, điều dưỡng Tiên nói.

Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi.
Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi.

Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi hiện có 242 điều dưỡng. Theo đúng quy định, một bác sĩ phải cần 2 điều dưỡng, nhưng hiện nay ở Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, tỷ lệ chỉ hơn 1 điều dưỡng/1 bác sĩ, vì vậy công việc của những người điều dưỡng rất nặng. Những đêm trực, các điều dưỡng phải làm việc liên tục.

“Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngoài sắp xếp công việc khoa học, các điều dưỡng phải gồng gánh, giúp đỡ lẫn nhau”, Giám đốc Bệnh Viện Sản - Nhi Quảng Ngãi Nguyễn Đình Tuyến cho hay.

Tại Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, Khoa Cấp cứu - Hồi sức và Chống độc là nơi thường có nhiều bệnh nhân nặng đến cấp cứu, điều trị. Số lượng bệnh nhân càng lớn thì khối lượng công việc càng nhiều thêm. Từ khâu đón tiếp, săn sóc, hướng dẫn người bệnh khi vào viện, quá trình nằm viện cho tới khi người bệnh xuất viện... đều do các điều dưỡng đảm nhận.  

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân ở Khoa Cấp cứu - Hồi sức và Chống độc
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân ở Khoa Cấp cứu - Hồi sức và Chống độc

“Có đau ốm thì mới vào bệnh viện. Người bệnh thì tâm lý nhạy cảm, dễ nhăn nhó. Nhân viên y tế có thái độ phù hợp sẽ làm bệnh nhân bớt căng thẳng. Nhiều khi chỉ là ánh mắt, lời nói, hoặc nụ cười của mình cũng làm cho bệnh nhân bớt phần lo lắng và an tâm hơn”, điều dưỡng Nguyễn Thị Cẩm Trang – Khoa Cấp cứu – Hồi sức và Chống độc chia sẻ.

Ngành y tế Quảng Ngãi đang tích cực thực hiện đổi mới trong phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân, hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Trong đó, việc xây dựng đội ngũ điều dưỡng tận tâm, trách nhiệm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ rất quan trọng.

Bởi lẽ, các điều dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân, nếu không có điều dưỡng thì công việc của bác sĩ khó mà hoàn thành.

Lặng thầm và đầy vất vả, có lẽ sự thấu hiểu, cảm thông của gia đình và những bệnh nhân là động lực, niềm an ủi lớn nhất để mỗi điều dưỡng thêm yêu và gắn bó với nghề. 

Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Phạm Minh Đức cho biết, ngành đang tiếp tục chỉ đạo tiếp tục thay đổi phong cách, thái độ phục vụ đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân theo phương châm: “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo”.

Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Phạm Minh Đức.
Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Phạm Minh Đức.

Theo ông Đức, việc điều trị bệnh thành công hay không có một phần quyết định rất lớn của công tác điều dưỡng, từ việc dùng thuốc, chăm sóc tích cực, toàn diện, cho đến dinh dưỡng, vật lý trị liệu.

“Để nâng cao chất lượng đội ngũ điều dưỡng, sở luôn chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, thái độ chăm sóc bệnh nhân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng cấp trên có những chính sách hỗ trợ điều dưỡng về môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ... để điều dưỡng an tâm làm việc", ông Đức cho hay.