Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghệ nhân ưu tú trở thành “đại sứ du lịch” quảng bá nghề dệt Phùng Xá

Mộc Miên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nổi tiếng với danh hiệu người đầu tiên nghiên cứu nghề dệt lụa tơ sen và ý tưởng biến con tằm thành những người thợ dệt, nghệ nhân Phan Thị Thuận còn giữ vai trò “đại sứ văn hóa” của làng nghề dệt Phùng Xá, đưa làng nghề trở thành điểm đến yêu thích.

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận giới thiệu chiếc khăn lụa từ tơ sen. Ảnh: Khánh Huy
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận giới thiệu chiếc khăn lụa từ tơ sen. Ảnh: Khánh Huy

Điểm du lịch làng nghề mới

Sau một tuần Sở Du lịch Hà Nội khai trương tuyến du lịch mới “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long” với 3 điểm đến hấp dẫn: Đình Nội thuộc làng Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai), làng hương Quảng Phú Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) và nghề dệt tơ tằm Phùng Xá, huyện Mỹ Đức cùng với nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận bước đầu nhận tín hiệu tích cực.

Theo nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, xưởng dệt của bà vừa đón 3 đoàn du khách trong nước đến tham quan, tìm hiểu. Họ là những đoàn du khách được lan tỏa từ sau thông tin Sở Du lịch Hà Nội công bố tuyến du lịch mới “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long” (từ ngày 12/4). Đây thực sự là niềm vui nhân đôi đối với nghệ nhân Phan Thị Thuận, bởi sau nhiều năm đau đáu với nghề dệt, đến nay nghề dệt Phùng Xá đã và đang trở thành điểm đến du lịch mới.

Trước đó, xưởng dệt của nghệ nhân Phan Thị Thuận ở thôn Hạ, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội thường xuyên là điểm đến tham quan, trải nghiệm của nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là các đoàn học sinh các trường trên địa bàn huyện Mỹ Đức.

Ngoài vai trò sản xuất, quản lý nhà xưởng, nghệ nhân Phan Thị Thuận đảm nhận là hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu về quê hương nghề dệt Phùng Xá, quá trình trồng dâu, nuôi tằm, trồng sen làm sợi sen… Người nghệ nhân ở tuổi 70 kể rành mạch về câu chuyện nghề dệt truyền thống, ý tưởng bắt con tằm nhả tơ tự dệt đến nghề dệt lụa tơ sen độc đáo.

Làng nghề Phùng Xá trước đây từng được mệnh danh “thủ phủ dâu tằm”, gia đình bà Phan Thuận Thuận nhiều đời ươm tơ, dệt lụa. Nghề dệt lụa Phùng Xá trải qua nhiều thăng trầm, số hộ gia đình giữ nghề dần mai một. Quyết tâm làm “sống dậy” nghề dệt lụa truyền thống, bà Phan Thị Thuận tìm tòi cách làm mới, hướng đi mới.

Sau nhiều năm trăn trở, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã tìm ra phương pháp dệt lụa mới bằng cách biến những con tằm thành những người thợ dệt nên những tấm chăn tơ tằm độc đáo.

Từ ý tưởng này, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã cho ra đời nhiều sản phẩm chăn, gối chất lượng cao. Sản phẩm nhanh chóng được thị trường đón nhận, nguồn cung không đủ cầu. Ý tưởng mới lạ này từng đạt giải Nhất với Đề tài sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 6 năm 2015 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công thương trao tặng; Cấp bằng độc quyền sáng chế, hữu ích do Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp: Tên sáng chế Mền bông tơ tằm do con tằm tự dệt.

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận với tấm bông tơ làm chăn lụa do con tằm tự dệt. Ảnh: Khánh Huy
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận với tấm bông tơ làm chăn lụa do con tằm tự dệt. Ảnh: Khánh Huy

Độc đáo nghề dệt lụa tơ sen

Say mê với nghề dệt, nghệ nhân Phan Thị Thuận còn dày công nghiên cứu làm ra sợi tơ sen và dệt ra lụa tơ sen. Đề tài nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cây lá sen năm 2016 là đề tài cấp Quốc gia, đã được Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tặng Bằng chứng nhận “Đã có công trình, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ được công bố trong sách và sáng tạo Việt Nam năm 2016”. Tháng 7/2018, nghệ nhân Phan Thị Thuận tiếp tục “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi tơ từ cuống lá sen” cùng Viện kinh tế sinh thái, Bộ Khoa học và Công nghệ. Sau gần 2 năm nghiên cứu và thử nghiệm, chiếc khăn quàng cổ đầu tiên được sản xuất từ sợi tơ của sen được giới thiệu và công chúng đón nhận. Theo nghệ nhân Phan Thị Thuận, để dệt chiếc khăn dài 1,7 mét rộng 0,25m cần tới 4.800 cuống sen và khoảng một tháng ngày công.

Sản phẩm chăn bông, vải lụa của nghệ nhân Phan Thị Thuận được Hội Nông dân Thành phố, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam thường xuyên giới thiệu các sản phẩm ở các hội chợ trong nước và khu vực; sản phẩm của công ty đã có mặt ở những thị trường khó tính như: Nhật, Đức, Bỉ, Trung Quốc, Ả Rập Xê Út… mang đến lợi nhuận sau thuế hơn 3 tỷ đồng/năm. Năm 2019 sản phẩm của lụa tơ sen vinh dự được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là sản phẩm quà tặng của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức Nhật Bản.

Với 2 sản phẩm tơ tằm và tơ sen được sản xuất bằng công nghệ mới, nghệ nhân Phan Thị Thuận thành lập Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/1 tháng (số lượng lao động sử dụng mùa vụ 1.500 người). Sản phẩm từ tơ sen được nhiều khách hàng Pháp, Mỹ, Nhật Bản... đặt hàng và thường đặt hàng từ trước mùa sen.

Ghi nhận những đóng góp tích cực của bà trong công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của dân tộc, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận được UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân ưu tú Thủ đô năm 2021”, cá nhân bà được tặng thưởng Bằng khen, Giấy Khen của các cấp chính quyền, cơ sở.

Trên hành trình giữ gìn và phát huy nghề dệt truyền thống, điều trăn trở lớn nhất của nghệ nhân Phan Thị Thuận là hành trình truyền nghề cho thế hệ kế cận. Từng có nhiều học viên đến học nghề, làm nghề nhưng để đào tạo một người thợ lành nghề cần thời gian và niềm say mê, sáng tạo.