Nghị định 100/2019/NĐ-CP: “Cú đấm thép” đang thiếu lực?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định 100/2019/NĐ-CP cùng với kế hoạch tổng kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn trên cả nước được triển khai rầm rộ, toàn diện vào thời điểm đầu năm 2020 đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Đây được ví như “cú đấm thép” với sứ mệnh loại trừ “ma men sau tay lái” – vấn nạn gây nhức nhối xã hội trong suốt một thời gian dài mà chưa có phương thuốc đặc trị công hiệu.

 CSGT kiểm tra một xe vi phạm trên QL1A. Ảnh: Minh Hải
Đã từng có thời điểm, những quán nhậu bỗng dưng vắng vẻ một cách không ngờ. “Cú đấm thép” vào vấn nạn “ma men sau tay lái” đã thật sự mang đến sự thay đổi từ trong suy nghĩ, nhận thức của nhiều người. Điều đáng ghi nhận nhất trong sự thay đổi ấy là mọi người đã biết dừng lại suy ngẫm, đắn đo xem có nên vào quán nhậu, có nên nâng chén khi vẫn còn cả một quãng đường dài phía trước phải điều khiển xe. Đây chính xác là một thay đổi mang tính đột phá.
Hiệu ứng tích cực của “cú đấm thép” ấy mang lại đối với tình hình tai nạn giao thông (TNGT) cũng tương đối rõ rệt. Số vụ TNGT mà nguyên nhân do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia đã giảm hẳn trong những tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm đảo lộn mọi thứ của đời sống kinh tế - xã hội. Lúc này, khi đại dịch đã tạm thời lắng xuống, cả nước bắt đầu trở lại với nhịp sống thường ngày thì vấn nạn “ma men sau tay lái” bỗng trở lại với những diễn biến phức tạp và khó lường. Các quán nhậu lại đông như mắc cửi. Người ta lại bắt đầu có thói quen vô tư nạp bia rượu vào người bất kể sau cuộc nhậu ấy vẫn còn nhiệm vụ điều khiển phương tiện về nhà.
Không còn nỗi sợ hãi, không còn sự đắn đo trước khi nâng chén. Thói quen tạm dừng lại để suy nghĩ, đắn đo, lựa chọn mà rất khó khăn chúng ta mới tạo dựng được bỗng chốc tan biến như bọt biển. Và đương nhiên, điều gì đến cũng phải đến, số vụ TNGT liên quan đến vi phạm nồng độ cồn đã bắt đầu tăng trở lại. Thậm chí, không ít vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra, cướp đi sinh mạng của nhiều người.
Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Phải chăng “cú đấm thép” uy lực ngày nào đã không còn đủ lực để phát huy tác dụng nữa? Cần nhớ rằng, trong suốt một thời gian dài, chúng ta loay hoay trong cuộc chiến chống lại vấn nạn “ma men sau tay lái” vì thiếu hành lang pháp lý và chế tài đủ mạnh. Hiện nay, điều đó đã được giải quyết với Nghị định 100/NĐ-CP nhưng tại sao vi phạm nồng độ cồn vẫn tái diễn? Phải chăng lực lượng chức năng chưa làm hết trách nhiệm hay bởi chúng ta đã “mòi gối chùn chân” mà muốn “cầu hòa” với ma men? Tất cả những lý do trên đều không thỏa đáng và không thể chấp nhận được. Chỉ có điều, để đấu tranh với vấn nạn sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện, ngoài chế tài đủ mạnh cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, toàn diện của cả hệ thống chính trị. Cái đích chúng ta hướng tới không phải là tìm và bắt phạt những “ma men” trên đường mà là tiêu diệt “ma men” từ trong suy nghĩ để nó không bao giờ có cơ hội hình thành nữa. Như thế mới là thắng lợi toàn diện.