Nghỉ lễ dài ngày: Giữ gìn sức khỏe đúng cách

Hà Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịp lễ 30/4 - 1/5, người dân được nghỉ 5 ngày, đây cũng là dịp để gia đình sum vầy và nghỉ ngơi. Nhiều gia đình lại lên kế hoạch đi du lịch dài ngày, vì vậy giữ gìn sức khỏe là vấn đề không thể lơ là.

Khám cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Phòng bệnh cảm cúm
Thời tiết chuyển mùa Xuân sang Hè, khiến những ngày qua số lượng người bệnh đến khám và điều trị vì bị nhiễm cúm gia tăng. Tại các Bệnh viện Nhi T.Ư, Bạch Mai, Nhiệt đới T.Ư hiện đang điều trị cho nhiều trường hợp là người lớn, trẻ em mắc bệnh, trong đó có những trường hợp bệnh rất nặng, phải thở máy do biến chứng của cúm mùa H1N1.
Virus cúm có tính chất dễ biến đổi nên mỗi năm thường xuất hiện các chủng virus cúm mới, thoát khỏi hệ thống miễn dịch của cơ thể. Do đó, việc phòng bệnh và chữa bệnh trở nên khó khăn, tỷ lệ tử vong cũng cao hơn. Trong điều kiện thời tiết thất thường như hiện nay và diễn biến khó lường của các chủng virus cúm, việc “phòng bệnh từ xa” là biện pháp hết sức cần thiết.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, với thời tiết nắng nóng, oi bức và tình trạng ngồi trong máy lạnh và quạt máy, nhiệt độ chênh lệch giữa ngoài trời và trong phòng rất dễ bị cảm cúm. Đặc biệt khi thay đổi môi trường, di chuyển du lịch từ vùng nọ đến vùng kia, cơ thể chưa kịp thích nghi với thời tiết cũng dễ mắc bệnh nếu sức đề kháng kém.
Cúm là một dạng suy hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra. Cúm thường có những triệu chứng như sốt cao, nhức đầu dữ dội, đau mỏi, suy kiệt cơ thể. Cúm có thể kéo dài nhiều ngày, có khi dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi suy hô hấp cấp gây tử vong trong thời gian ngắn.

Để phòng bệnh cảm cúm, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo, người dân cần chủ động tiêm vaccine, nhất là với trẻ em, người già, người có bệnh mãn tính, người dễ tiếp xúc với nguồn bệnh (sống ở nơi đông đúc, trong vùng có dịch và đang chăm sóc người bệnh).
Ngoài ra, chế độ ăn uống phải đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa cần tăng cường các loại rau xanh, trái cây giàu vitamin C, sữa chua. Uống đủ nước, người lớn ít nhất hơn 2 lít/ngày, trẻ em ngoài sữa nên bổ sung thêm nước cam vắt, nước chanh. Hạn chế sử dụng các loại nước đóng chai, nhất là loại nước có gas.
Đặc biệt, không nên quá lạm dụng điều hòa, đặc biệt là nhà có trẻ nhỏ. Vì điều hòa có thể khiến niêm mạc mũi của trẻ bị khô, niêm mạc mũi của trẻ lại rất nhạy cảm nên rất dễ bị các loại virus cúm xâm nhập.

Bảo đảm an toàn thực phẩm

Những ngày nghỉ lễ, dự báo nhu cầu tiêu thụ thực phẩm gia tăng. Những bệnh hay gặp phải dịp nghỉ lễ như đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón… do các bữa ăn không đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm không tốt. Giờ giấc ăn uống thay đổi, thất thường cũng là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa.

Đảm bảo an toàn thực phẩm từng bữa ăn, đặc biệt khi đi chơi xa là điều vô cùng cần thiết, giúp mọi người đảm bảo sức khỏe, tránh các bệnh về tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ khuyến cáo, để mua được hàng hóa đảm bảo chất lượng, mọi người hãy cảnh giác và tuân thủ nguyên tắc nói không với thực phẩm trôi nổi trên thị trường, tránh mua những sản phẩm không ghi rõ tên, nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ của nhà sản xuất và không ghi hạn sử dụng. Mọi người cần đề phòng ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngộ độc là do vi sinh vật, hóa chất, độc tố tự nhiên và do thức ăn hư hỏng, biến chất. Các tác nhân trên đều có thể xảy ra qua đường ăn uống, chế biến và bảo quản thực phẩm.
Vì vậy, nên ăn chín uống sôi, ăn ngay sau khi nấu xong, vì để lâu thức ăn càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khỏe. Cùng với đó, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng tránh nhiễm khuẩn các mặt bệnh qua đường ăn uống. Đặc biệt đối với trẻ em, tuyệt đối không uống nước lã, nước đá mất vệ sinh; không ăn các loại thực phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Lưu ý khi bị say xe

Những chuyến đi chơi xa, du lịch trở thành nỗi ám ảnh, lo lắng đối với những người say xe. Để hạn chế say tàu xe, các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo, mọi người không nên nhịn đói khi đi xe, tuy nhiên không nên ăn quá no. Bởi khi có quá nhiều thức ăn trong dạ dày, cơ quan này phải làm việc vất vả, tiêu hóa thức ăn liên tục sẽ khiến bạn dễ bị say xe hơn.

Những người dễ say xe, có thể uống 1 viên thuốc chống say xe trước khi lên xe khoảng 40 phút. Người bị say nghiêm trọng thì có thể uống 2 viên, trẻ em cho uống ít hơn. Để có hiệu quả hơn, có thể uống thuốc với nước ấm hoặc bổ sung thêm Vitamin B1 để giảm thiểu khả năng bị say xe. Khi lên xe, nếu bị say thì nên hạn chế nhìn vào những vật gần, màn hình điện thoại hay đọc sách. Hãy cố gắng nhìn ra các điểm càng xa càng tốt, tập trung tầm mắt vào những nơi xa bên ngoài cửa sổ xe có thể giúp não xác định các tín hiệu chính xác rằng bạn đang di chuyển.

Ngoài ra, nhiều người còn có kinh nghiệm dùng một ít vỏ cam quýt tươi để ngửi, làm giảm cảm giác buồn nôn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần