Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghĩa Hành: Thanh niên H’re vượt khó làm kinh tế

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Với khát vọng thoát nghèo, chàng trai H’re Đinh Tấn mạnh dạn vay vốn để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, cải thiện kinh tế gia đình.

Đinh Tấn (28 tuổi) sinh ra và lớn lên ở xóm Đèo (thôn Trung Mỹ, xã Hành Dũng), một trong những nơi xa xôi, khó khăn nhất của huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) với 100% hộ gia đình là đồng bào H’re, trong đó, đại đa số là hộ nghèo và cận nghèo. Tấn còn kém may mắn hơn các bạn đồng trang lứa vì bị sụp mí bẩm sinh, thị lực một bên mắt kém hơn hẳn mắt còn lại.

Kinh tế gia đình eo hẹp, Tấn phải nghỉ học từ sớm. Dù vất vả mưu sinh, thế nhưng, trong tâm khảm của chàng trai này chưa bao giờ nguôi ý chí vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống. Vì vây, vừa làm công nhân, anh vừa đầu tư phát triển sản xuất.

Ao nuôi cá trên núi của anh Đinh Tấn
Ao nuôi cá trên núi của anh Đinh Tấn

Sau nhiều lần tìm hiểu, nghiên cứu, Tấn cải tạo đất, mua keo về trồng và đào ao, nuôi cá ở khu vực rẫy của gia đình. Tận dụng nguồn nước suối tự nhiên và các thức ăn sẵn có như có, lá mì (sắn)…, Tấn thả nuôi các loại cá nước ngọt. 

Khu vực bờ hồ, anh cũng lắp sẵn các ống thoát nước, đề phòng tình trạng mùa mưa, nước đầu nguồn về nhiều làm tràn hồ. Đường lên hồ nuôi cá dốc đá khó đi, Tấn bàn với gia đình cải tạo lại để có thể đi xe máy lên gần đến nơi thay vì phải tốn nhiều thời gian leo núi.

“Nguồn vốn đầu tư nuôi cá đến từ vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nghĩa Hành theo diện hộ nghèo. Ban đầu tôi chỉ đào thả nuôi ít, sau đó mở rộng dần. Ngoài các thức ăn tự nhiên, tôi cũng mua thêm cám về cho cá ăn. Hiện tại, tôi có 3 hồ nuôi cá chép, cá hồng, cá trê với tổng diện tích khoảng 1.000m2”, Tấn nói.

Hằng ngày, Tấn tranh thủ dậy sớm cho cá ăn, rồi vượt chặng đường hơn 30km đến khu công nghiệp VSIP (xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh) làm công nhân. 

“Nuôi cá không tốn nhiều thời gian chăm sóc, chỉ cần ngày cho ăn 2 lần, thời gian còn lại trong ngày mình tập trung làm những việc khác. Nguồn nước tự nhiên rất sạch nên nuôi khá thuận lợi. Lợi nhuận từ nuôi cá, tôi mua thêm heo, trâu về chăn nuôi”, Tấn cho hay.

Dựa vào lợi thế diện tích đất canh tác rộng, Tấn còn đầu tư cây, con giống chất lượng để phát triển mô hình kinh tế mang lại hiệu quả. Sau nhiều năm lao động cần cù, chịu khó, Tấn đã tích lũy vốn mua thêm đất để trồng 13ha keo. Nhờ đó, bình quân mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, anh thu về hơn 200 triệu đồng từ mô hình kinh tế nông nghiệp.

Ngoài nuôi cá, anh Đinh Tấn còn trồng hàng chục hecta keo
Ngoài nuôi cá, anh Đinh Tấn còn trồng hàng chục hecta keo

“Để gia đình thoát nghèo như hôm nay, số tiền vay vốn 100 triệu đồng được vay theo diện hộ nghèo đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, tôi luôn ý thức phải có trách nhiệm với số tiền vay, cần cù, chịu khó tìm tòi, học hỏi để áp dụng vào thực tế. Quan trọng nhất là đừng bao giờ hài lòng vào những gì đã có”, anh Tấn trải lòng. 

Chia sẻ về dự định trong tương lai, Tấn cho biết đang nghiên cứu nuôi lươn và dự kiến sang năm sẽ tiếp tục vay vốn để đầu tư phát triển mô hình này ngay trong vườn nhà.

“Sau khi tìm hiểu nhiều nơi thì thấy lươn cũng dễ nuôi và dễ có lợi nhuận. Tôi đã tìm hiểu và rất hứng thú với mô hình này”, Tấn cho hay.

Đinh Tấn là một trong những gương thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương
Đinh Tấn là một trong những gương thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương

Theo Bí thư Đoàn xã Hành Dũng Nguyễn Thị Hồng Thái, anh Đinh Tấn là một trong những thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương, là tấm gương sáng để đoàn viên, thanh niên học tập và noi theo trong lập thân, lập nghiệp.