Cả hai cũng đều đã đi bước nữa. Tuy nhiên, mới đây, chị vợ cũ gọi điện than khổ, với lý do dịch bệnh nên công ty đóng cửa, cả chị và người chồng mới bị cho nghỉ việc. Theo đó, chị ấy đề nghị ngoài tiền cấp dưỡng cho con, anh hỗ trợ chị một khoản tiền đến khi chị tìm được việc làm mới.
Thực ra, điều đó trong khả năng của anh, nhưng một phần ngại với vợ mới, phần nữa là bực mình chuyện cũ dẫn đến anh và chị vợ cũ ly hôn, nên anh cân nhắc chưa chấp nhận.
Đa số anh chị em trong cơ quan khuyên anh nên hỗ trợ người vợ cũ vì hết tình, còn nghĩa, quan trọng là chị ta đang nuôi con anh. Thậm chí, có người còn quả quyết, đây cũng là nghĩa vụ của anh theo quy định của pháp luật. Xin hỏi, người này nói như vậy có đúng hay không?
Nguyễn Văn Bình, quận Ba Đình, Hà Nội
Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) trả lời:
Cấp dưỡng, theo khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này”.
Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Kể từ thời điểm đó, giữa hai người không còn là vợ chồng. Tuy vậy, theo Điều 115 của Luật này, “khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình”.
Căn cứ quy định nêu trên, mặc dù đồng nghiệp của bạn và người vợ cũ đã ly hôn, anh chồng vẫn có nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp sau:
- Người vợ cũ gặp khó khăn, túng thiếu, chị này yêu cầu anh cấp dưỡng và yêu cầu đó có lý do chính đáng;
- Anh có khả năng cấp dưỡng cho người vợ cũ.
Về mức cấp dưỡng, theo khoản 1 Điều 116 của Luật này, “do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.
Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận. Ví dụ, người vợ cũ tìm được việc làm mới, hai người có thể thỏa thuận mức cấp dưỡng thấp hơn, chấm dứt việc cấp dưỡng hay tạm dừng cấp dưỡng nếu anh chồng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.
Thông tin của bạn cho thấy sau khi ly hôn, cả hai đều đã kết hôn với người khác. Về nguyên tắc, anh đồng nghiệp của bạn không có nghĩa vụ cấp dưỡng cho người vợ cũ. Bởi lẽ, Điều 118 của Luật này quy định, nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
“1. Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;
2. Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
3. Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;
4. Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;
5. Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;
6. Trường hợp khác theo quy định của luật”.
Tuy nhiên, cũng như thông tin của bạn về ý kiến của đa số đồng nghiệp ở cơ quan, nếu khả năng kinh tế có thể, anh ấy nên giúp đỡ chị vợ cũ. Đó không chỉ là “hết tình, còn nghĩa”, chị này đang nuôi con chung của họ, mà cũng giống như chúng ta làm thiện nguyện, chia sẻ tình yêu thương cho những người yếu thế trong xã hội để cùng nhau vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra.