Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghịch lý kinh tế khó khăn, dòng vốn vẫn ứ đọng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn đang giảm, song tới cuối tháng 10, tín dụng toàn nền kinh tế tăng chưa tới 7%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 11,5%.

 "Bài toán" tín dụng trở thành vấn đề khó với ngành ngân hàng khi đối mặt đồng thời nhiều thách thức, từ khả năng hấp thụ vốn yếu của DN, sức cầu kém của nền kinh tế, cho tới áp lực nợ xấu tăng cao khiến việc cho vay thận trọng hơn.

Lãi suất huy động giảm sâu, vốn dư thừa

VietA Bank là ngân hàng mới nhất hạ lãi suất huy động trên diện rộng. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến được công bố vào sáng 13/11, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 5 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm xuống còn 4,4%/năm; lãi suất ngân hàng các kỳ hạn từ 6 - 11 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm xuống còn 5,4%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 - 13 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm xuống còn 5,7%/năm.

SCB cũng vừa công bố biểu lãi suất huy động mới với việc giảm mạnh 0,75% kỳ hạn 1 - 5 tháng khiến lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 3,75%/năm; kỳ hạn 2 tháng còn 3,85%/năm, kỳ hạn 3 tháng còn 3,95%/năm, kỳ hạn 4 tháng còn 4%/năm, và kỳ hạn 5 tháng còn 4,05%/năm.

Nhóm ngân hàng cổ phần vừa và nhỏ đã đưa lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng về quanh mức 5%/năm. Đơn cử, tại ACB, khách hàng gửi số tiền dưới 200 triệu đồng kỳ hạn 12 tháng lãi suất chỉ 4,7%/năm hay tại VPBank, kỳ hạn tiền gửi 12 tháng chỉ có lãi suất 5,3%/năm…

Những ngân hàng có quy mô nhỏ hơn, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cũng về quanh 5,5%/năm.

Khách hàng làm thủ tục tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc dân, phố Bà Triệu, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Khách hàng làm thủ tục tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc dân, phố Bà Triệu, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Ở nhóm thương mại có vốn Nhà nước, biểu lãi suất đầu tháng 11/2023 tiếp tục giảm so với cùng kỳ tháng trước đó. Tại Vietcombank, lần điều chỉnh từ 10/11, ngân hàng này tiếp tục giảm 0,1 - 0,2%/năm tùy theo kỳ hạn. Lãi suất huy động 6 tháng và 9 tháng của Vietcombank giảm từ 4,1%/năm xuống 3,9%/năm. Mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn cao nhất áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ còn 5%/năm, thay cho mức liền kề là 5,1%.

Đây là lần thứ 2 trong 20 ngày trở lại đây, Vietcombank giảm lãi suất tiền gửi. Còn tại ba ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước là BIDV, Agribank, Vietinbank, mức lãi suất phổ biến là 3%/năm áp dụng cho thời gian gửi từ 1 đến dưới 3 tháng. Từ 3 đến dưới 6 tháng, mức lãi suất là 3,3%/năm; từ 6 đến dưới 12 tháng là 4,3%/năm. Mức lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên với 5,3%/năm.

Dù lãi suất tiền gửi giảm sâu nhưng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến tháng 8, tiền gửi trong dân cư vẫn tăng mạnh. Tính đến tháng 8, lượng tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tiếp tục đạt mức kỷ lục với hơn 6,43 triệu tỷ đồng, tăng gần 9,7% so với cuối năm 2022. Đây là tháng thứ 13 liên tiếp, tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng.

 

 

Lý do của việc không cho vay được đến từ rủi ro của nền kinh tế tăng lên, rủi ro của các khách hàng tăng lên. Thông thường, rủi ro tăng thì ngân hàng phải áp lãi suất cao, trong khi Chính phủ và NHNN muốn hạ lãi suất, nên ngân hàng gặp thế khó, bị kìm chân. Thực tế này dẫn tới tình trạng nhiều ngân hàng chấp nhận ôm vốn chờ thời, còn hơn cho vay ở hiện tại mà mất vốn ở tương lai.
TS Nguyễn Trí Hiếu

 

So với cuối năm 2022, tiền gửi của dân cư tăng thêm hơn 567.000 tỷ đồng, tương ứng với 9,68%. Các DN cũng tăng gửi tiền vào ngân hàng trở lại. Tính đến hết tháng 8, tiền gửi của các tổ chức đạt 6,013 triệu tỷ đồng.

Còn về cho vay của các ngân hàng, theo số liệu mới nhất của NHNN, đến ngày 27/10, tín dụng tăng 7,1% so với cuối năm 2022, chỉ bằng một nửa mục tiêu cả năm.

Lãi cho vay cao, tiếp cận vốn khó

Thời gian qua, tăng trưởng tín dụng thấp, để kích cầu, các ngân hàng rầm rộ quảng bá cho vay với lãi suất thấp. Tuy nhiên, nhiều DN phản ánh ngân hàng nói lãi suất thấp nhưng chưa thấy. Cụ thể, lãi suất giảm chủ yếu ở kỳ hạn ngắn 3 - 6 tháng, về khoảng 6 - 8%/năm, còn cho vay trung và dài hạn lãi suất vẫn 10 - 13%/năm và kiến nghị giảm thêm.

Đại diện Tập đoàn địa ốc Novaland kiến nghị: “Mặt bằng lãi suất hiện vẫn cao. Hy vọng trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay giúp giảm gánh nặng của DN. Thông tư số 02/2023/TT-NHNN hiện đang cho phép DN gia hạn nợ trong 12 tháng. Tuy nhiên, dự kiến năm 2024 thị trường còn tiếp tục khó khăn, ít nhất đến hết quý II mới có dấu hiệu tốt lên, do vậy Novaland đề xuất gia hạn Thông tư này lên 24 tháng, nhằm giảm áp lực cho DN.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư BĐS Toàn Cầu (GP.Invest) Nguyễn Quốc Hiệp, cho biết, hiện nay lãi suất cho vay bất động sản vẫn còn cao hơn so với mức lãi suất đầu vào tại các ngân hàng. Đến tháng 10/2023, chúng tôi vẫn chịu mức lãi suất là 9,5% trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục giảm...

“Trong khi BĐS mất giá, nhiều ngân hàng chỉ giải ngân cho các khoản vay có tài sản bảo đảm là BĐS chứ không nhận tài sản đảm bảo khác như cổ phiếu niêm yết, máy móc thiết bị… khiến các DN khó tiếp cận tín dụng” - Tổng Giám đốc Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho biết.

Nhiều DN du lịch cho biết cũng đang gặp khó khăn trong vay vốn tín dụng. Do khó khăn không có khả năng thanh toán gốc và lãi cho ngân hàng đúng hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng nên DN đã bị chuyển nhóm nợ.

“Những DN này không được ngân hàng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02. Chúng tôi kiến nghị ngân hàng có chính sách hỗ trợ những DN đã chuyển nhóm nợ tiếp tục được cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ" - đại diện Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh nói.

Với các DN nhỏ và vừa, trường hợp ông Nguyễn Hoàng (ở Thanh Xuân) vừa được điều chỉnh vay về mức lãi suất 8,7%/năm, nhưng cũng khá hồi hộp vì ngân hàng thay đổi cách tính lãi suất theo từng tháng. Kinh nghiệm và lịch sử vay vốn tại ngân hàng này nhiều năm trước thì thông thường lãi suất cho vay của ông sau 3 tháng đầu được xem là "ưu đãi", sau đó sẽ cao hơn khoảng 1 - 1,5%/năm.

"Lãi suất tiết kiệm thì giảm mạnh mà lãi suất cho vay như hiện nay vẫn còn quá cao" - chủ một hộ kinh doanh bày tỏ.

 

 

Điều mà DN cần hiện nay, bên cạnh hỗ trợ tiếp sức từ ngân hàng, là các chính sách hỗ trợ thúc đẩy cung ứng hàng hóa, sản phẩm. Đặc biệt, với những DN quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ thì cần nhiều hơn nữa sự quan tâm về cơ chế chính sách, hạ tầng đất đai sản xuất, công nghệ mới…
Phó Chủ tịch Hiệp hội DN công nghiệp hỗ trợ Hà Nội - Nguyễn Vân

 

Các DN cho hay, các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước tuy rẻ, nhưng không thể cho vay vô giới hạn, vì bị bó buộc bởi nhiều quy định và gặp nhiều khó khăn đặc thù trong tăng vốn để đáp ứng tỷ lệ an toàn.

Đặt trong bối cảnh như vậy, những khoản vay lãi suất thấp đương nhiên sẽ không dành cho tất cả nhu cầu mà sẽ bơm một cách chọn lọc, DN có tài sản thế chấp, ít rủi ro.

Song hiện tại phần lớn DN rơi vào tình cảnh không có tài sản bảo đảm, hoặc không có đơn hàng, bị gãy chuỗi cung ứng, hoặc gặp khó khăn do hoạt động kinh doanh sụt giảm… Số DN khỏe mạnh không nhiều, nên số liệu tăng trưởng tín dụng cũng èo uột.