Ngộ độc rượu: Điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng nề

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện (BV) đã liên tục tiếp nhận các vụ ngộ độc rượu (methanol).

Chuyên gia y tế cảnh báo, ngộ độc methanol nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong cao, thậm chí qua cơn nguy kịch, cứu được tính mạng, song vẫn để lại các di chứng nặng nề.

 

 Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu tại BV Đa khoa Lâm Đồng.
 Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu tại BV Đa khoa Lâm Đồng.

 

Báo động ngộ độc rượu

Mới đây, ngày 11/7, khoa Cấp cứu, BV Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh) tiếp nhận bệnh nhân K.V. (52 tuổi, TP Hồ Chí Minh) chuyển viện trong tình trạng lơ mơ, mạch huyết áp ổn định. Qua khai thác bệnh sử và thực hiện xét nghiệm kiểm tra, bác sĩ xác định bệnh nhân bị ngộ độc methanol.

Người bệnh đã được xử trí cấp cứu, loại bỏ độc chất và sử dụng chất đối kháng đặc hiệu là ethanol. Kết quả xét nghiệm nồng độ methanol trong máu ban đầu của bệnh nhân 125,2 mg/dL (chỉ số người bình thường = 0). Người bệnh được truyền ethanol vào dạ dày để ngăn chặn chuyển hóa hấp thu ngộ độc, đồng thời được lọc máu ngắt quãng. Sau một ngày điều trị, tình trạng người bệnh tỉnh, các chỉ số sức khỏe cải thiện rõ rệt, không còn tình trạng toan máu.

Bác sĩ Hoàng Tiến Nam – Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, BV Nhân dân Gia Định cho biết, người bệnh ngộ độc methanol nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời do toan máu nặng suy đa cơ quan, ngưng tim dẫn đến nguy cơ tử vong cao hoặc nếu qua cơn nguy kịch cứu được tính mạng thì để lại các biến chứng mờ mắt. Methanol hay thường được gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau như: Làm sơn, dung môi..., tuy nhiên chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol.

Trước đó, tại xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu khiến 2 người tử vong, 1 người bị ngộ độc nặng đã được điều trị tích cực và 1 ca được BV Đa khoa Lâm Đồng cho về nhà theo dõi.

Theo BV Đa khoa Lâm Đồng, sau 3 ngày nhập viện, dù được điều trị tích cực (đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm bù dịch, chọc dịch não tủy xét nghiệm, lọc máu liên tục) nhưng 2 anh em ruột (Liên Jrang Ha Hôn, 26 tuổi và Liên Jrang Ha Hải, 23 tuổi, cùng ngụ thôn Đạ Nghịt) đã tử vong.

Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngủ gà, sau đó diễn tiến hôn mê dần, vã mồ hôi nhớt, thở nhanh nông, đồng tử giãn… nghi do ngộ độc rượu. Trước đó, 2 người này dùng rượu mua từ cửa hàng tạp hóa T.T. và tự pha thêm rượu chuối hột đóng chai sẵn (không rõ cơ sở sản xuất).

Bác sĩ Bùi Văn Độ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lâm Đồng cho biết, Chi cục đã phối hợp với Công an Lâm Đồng và Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương điều tra, xác minh, lấy 10 mẫu rượu gửi phòng kiểm nghiệm để xét nghiệm độc tố, định lượng chỉ tiêu Methanol. Loại rượu mà các bệnh nhân nói trên uống và bị ngộ độc được mua từ nhiều quán khác nhau trên địa bàn thôn Đạ Nghịt, do đó phải mất nhiều thời gian xác minh, phân tích mẫu và hiện chưa có kết quả xét nghiệm độc tố.

Bác sĩ BV Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh) thăm khám cho bệnh nhân
Bác sĩ BV Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh) thăm khám cho bệnh nhân

Hậu quả nặng nề

Vào tháng 5/2022, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cũng đã tiếp nhận 2 ca ngộ độc rượu do nghe theo lời mách của một “bà dân tộc” uống rượu ngâm từ rễ cây chữa bệnh xương khớp. TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, 2 bệnh nhân trên sau khi uống được 5 ngày đều có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, ù tai, khó thở, thở nhanh và đến viện trong tình trạng toan chuyển hóa nặng, hôn mê, có tổn thương não.

Xét nghiệm mẫu rượu bệnh nhân mang đến và xét nghiệm máu của bệnh nhân phát hiện Salicylate có nguồn gốc từ rễ cây. Đây là một loại thuốc giảm đau có trong nhiều loại cây cỏ tự nhiên, có thể được dùng để chữa giảm đau, tuy nhiên nó có độc tính nhất định nếu việc kiểm soát không đảm bảo về liều lượng, cách dùng. Do đó, nếu người dân uống các loại rượu ngâm một cách “thoải mái” như thế này rất dễ bị ngộ độc.

Đây là hai trường hợp dễ phát hiện, có thể xử lý được, tuy nhiên sẽ có nhiều trường hợp phức tạp khác bởi trong tự nhiên có quá nhiều hợp chất, các chất khác nhau mà chúng ta không biết. Ngộ độc Salicylate có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề cho sức khỏe. Bệnh nhân chóng mặt, buồn nôn, ù tai, co giật, hôn mê, tụt huyết áp, có tổn thương não và tổn thương thận, rất dễ bị tử vong.

“Hiện nay việc ngâm rượu để xoa bóp và uống tại nhà rất phổ biến. Để đảm bảo an toàn khi sử dụng, bác sĩ khuyến cáo, dù là thảo dược nhưng cũng là thuốc bởi trong đó có nhiều hoạt chất khác nhau mà chúng ta không biết hết được. Do đó, việc ngâm hàm lượng bao nhiêu, sử dụng như thế nào cũng cần có sự tư vấn của bác sĩ. Nếu chúng ta sử dụng một cách vô tư, thoải mái như hiện nay thì rất dễ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của chính mình và người thân” - TS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, methanol là một loại cồn công nghiệp. Bản thân methanol là chất độc có độc tính thấp, nhưng khi được đưa vào cơ thể người, nó sẽ được chuyển hóa thành formaldehyde nhờ men alchohol dehydrogenase và sau đó thành formic acid nhờ men acetaldehyde dehydrogenase.

Chính những chất này gây độc cho gan, thận, gây suy thận cấp, viêm gan nhiễm độc, đặc biệt là gây toan hóa máu nặng nề. Chính vì vậy để phòng, tránh ngộ độc cồn công nghiệp, người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Người dân cũng nên hạn chế tối đa việc uống rượu.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, ngộ độc rượu từ ethanol thường nhẹ hơn, chỉ có các triệu chứng như say rượu. Tuy nhiên, ngộ độc rượu do methanol thường nặng hơn do bị pha cồn công nghiệp vào đồ uống. Để tránh tình trạng ngộ độc methanol, người dân tuyệt đối không mua bán, sử dụng các loại rượu không có nguồn gốc xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành.