“Ngoại giao cây tre” - đường lối ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh

Đại sứ Nguyễn Quang Khai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 tháng 8/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lấy hình tượng cây tre để đặt cho chính sách ngoại giao của Việt Nam.

Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc tháng 12/2021, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo xây dựng trường phái ngoại giao "cây tre Việt Nam", đó cũng chính là hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thể hiện bản lĩnh, thân thiện trong hội nhập

Cây tre có sức sống phi thường, gốc vững chắc, thân mọc thẳng, dẻo dai, cành mềm mại có sức sống phi thường, mang đậm bản sắc của dân tộc Việt Nam. Trong kháng chiến chống ngoại xâm, lũy tre làng trở thành thành lũy bảo vệ, ngăn cản bước tiến của quân thù, những chiếc gậy tầm vông, những chiếc chông làm bằng tre là vũ khí làm cho kẻ thù phải khiếp sợ.

“Ngoại giao cây tre” - đường lối ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh - Ảnh 1

Trong hòa bình, cây tre xanh mềm mại, uyển chuyển, đung đưa nhẹ nhàng theo gió tượng trưng cho hòa bình. Cây tre là biểu tượng cho ý chí bất khuất, kiên cường và mang trong mình những đức tính thân thiện, hòa hiếu của dân tộc Việt Nam.

Trong chiến tranh chống thực dân Pháp, ngày 19/12/1946, Bác Hồ đã đưa ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước. Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.”

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 17/7/1966, Bác lại đưa ra Lời kêu gọi cả nước đứng lên: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song Nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi, thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta đã không giữ thù hận, sẵn sàng mở lòng, bình thường hóa quan hệ với Pháp và Mỹ.

Những người lính Âu - Phi được Pháp đưa sang chiến đấu ở Việt Nam đã được Chính phủ ta đối xử nhân đạo. Hầu hết những người lính này đã chạy sang hàng ngũ Việt Minh. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, họ ở lại Việt Nam và đã được Bác Hồ quyết định dành cho họ một mảnh đất ở chân núi Ba Vì để họ canh tác và sinh sống.

Các nước chư hầu của Mỹ đưa quân đến miền Nam Việt Nam, gây nhiều tội ác đối với Nhân dân ta nhưng sau giải phóng chúng ta cũng đã mở lòng hòa hiếu, thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, theo phương châm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.” Ngày nay, Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và nhiều nước khác tham gia vào cuộc chiến chống Nhân dân ta đã trở thành những đối tác hợp tác lớn với Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 190/192 quốc gia, trong đó có 5 nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 đối tác và hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế.

Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 4 quốc gia gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản, Đối tác chiến lược với 12 nước gồm: Tây Ban Nha, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Đức, Italia, Pháp, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Australia và New Zealand, quan hệ Đối tác toàn diện với 13 nước gồm: Mỹ, Nam Phi, Venezuela, Chile, Brasil, Argentina, Ukraine, Đan Mạch, Myanmar, Canada, Hungary, Brunei và Hà Lan.

Việt Nam ngày nay là thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mang tính chất toàn cầu, Diễn đàn hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đặc biệt, chúng ta đã thiết lập quan hệ hợp tác với các tổ chức hợp tác kinh tế, thương mại hàng đầu như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Trong hơn bảy mươi năm qua kể từ khi Tuyên ngôn độc lập, thành lập nước Việt Nam từ năm 1945 đến nay, chúng ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và những thành tựu to lớn trong công cuộc Đổi mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Trong kết quả này, bên cạnh các lực lượng vũ trang, ngoại giao “Cây Tre” mang đậm bản sắc tư tưởng Hồ Chí Minh đã góp phần hết sức quan trọng.

Phát triển năng động, đối tác tin cậy

Năm 2022, phát huy tinh thần “Ngoại giao cây tre”, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hoá quan hệ, chúng ta đã triển khai một loạt hoạt động đối ngoại ở tất cả các cấp: Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và ngoại giao Nhân dân.

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa đặc biệt. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiêm được Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp ở mức cao nhất ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc một tuần. Có thể nói, đây là chuyến thăm hết sức quan trọng kể từ khi hai nước bình thường hóa năm 1990, đưa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn nữa theo chiều sâu.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đi thăm nhiều quốc gia. Các chuyến thăm này đều đạt kết quả hết sức tốt đẹp. Tất cả các nước lãnh đạo cấp cao của chúng ta đến thăm đều bày tỏ mong muốn tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Cả thế giới đang nhìn về Việt Nam như một quốc gia thân thiện, phát triển năng động, góp phần quan trọng vào hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Cũng trong năm 2022, lãnh đạo cấp cao nhiều nước đã đến thăm Việt Nam, trong đó có Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào Pany Yathotou,Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio, Tổng thống Uganda Yoweri Kaguta Museveni, Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz, Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Phó Tổng thống Nigeria Yemi Osinbajo, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher và Tổng Thư ký Liên Hợp quốc António Guterres.

Tất cả các chuyến thăm này đều rất quan trọng. Tuy nhiên, chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng Thư ký Liên Hợp quốc António Guterres có một ý nghĩa đặc biệt do ông Olaf Scholz vừa đắc cử và Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, còn ông António Guterres là người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.

Những hoạt động này cùng thành quả quan trọng là minh chứng cho đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.